(Baonghean)- Âu cũng là điều tất yếu, cái xấu và cái tốt, bóng tối và ánh sáng luôn tồn tại song song với nhau để thiết lập nên trạng thái cân bằng của vạn vật. Con người cũng vậy. Điều quan trọng là duy trì được sự hài hoà, thăng bằng giữa hai trạng thái...
Chiều nay tôi vừa ngồi đọc báo vừa nghe vợ tôi và bà hàng xóm tranh luận về câu chuyện anh lái xe tải cứu mạng hơn 30 chục người trên chiếc xe khách mất phanh ở đèo Bảo Lộc. Vợ tôi - người quyết định đặt anh Bắc làm hình tượng “soái ca” mới nhất của cô nàng - một mực cho rằng bài báo “bóc mẽ sự thật” đằng sau pha cứu người ngoạn mục là sản phẩm của những nhà làm truyền thông chạy theo thị phi và thích chơi nổi. Trong khi đó, bà hàng xóm lại có vẻ không mặn mà với những câu chuyện “Lục Vân Tiên” và có phần nghiêng về phiên bản của tài xế xe khách.
Tôi không ngạc nhiên khi thấy hai người phụ nữ tranh luận với nhau kịch liệt về một vấn đề mà cả đời họ có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp phải, trước nay chưa hề quan tâm, về những con người mà họ không có mối quan hệ nào. Tôi không ngạc nhiên khi thấy cuộc tranh luận tương tự diễn ra nảy lửa trên các diễn đàn mạng xã hội. Đơn giản bởi tâm lý con người ta luôn bị hấp dẫn bởi những “kỳ tích”, “anh hùng”…
Tôi còn nhớ trong một tiết học về tìm hiểu tâm lý đám đông thời đại học, giáo sư đứng lớp đã phán một câu chắc nịch như chân lý: “Muốn trở thành tâm điểm chú ý của dư luận rất dễ, hãy trở thành anh hùng hoặc kẻ tội đồ”. Tính hiếu kỳ, thích những câu chuyện được đẩy lên đến đỉnh điểm của đám đông này được nhiều tờ báo nắm bắt để “câu view” bằng những câu chuyện giật gân, những con người tốt bụng đến mức không tưởng hoặc những kẻ tội phạm xấu xa đến tột cùng. Một anh bạn tôi làm trong nghề báo thường nói vui rằng, báo chí hiện đại muốn câu được khách thì phải thành thạo thể loại “cướp, giết, hiếp”, xem ra cũng không phải chỉ là lời nói đùa vô thưởng vô phạt.
Tại sao con người lại có xu hướng bị thu hút bởi những thông tin mang tính tiêu cực, đề cập đến những mảng tối của xã hội như bạo lực, giết chóc, những thói hư tật xấu? Các nhà nghiên cứu tâm lý đám đông cho rằng, đó là bởi trong mỗi người đều có những mầm mống của bạo lực, của cái ác, cái xấu. Xã hội càng văn minh thì những góc khuất đó trong con người càng bị áp chế bởi luật lệ và luật pháp, bởi nhận thức về bản thân và về cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không thể dồn nén hết những cảm xúc đen tối đó. Những môn thể thao đối kháng, những bộ phim có hình ảnh bạo lực, những thông tin về cái xấu trong cuộc sống chính là một lối thoát cho nguồn năng lượng “xấu” giải phóng ra khỏi con người mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội.
Cũng tương tự như vậy, chúng ta thích câu chuyện về kỳ tích hay “anh hùng” là bởi sâu thẳm trong thâm tâm, chúng ta luôn khát khao được trở thành nhân vật đó hay gặp được kỳ tích đó. Những câu chuyện kỳ diệu trong cuộc sống đời thường luôn truyền cảm hứng cho xã hội bởi chúng đem đến niềm tin, hy vọng cho sự chờ đợi, mong mỏi những điều tốt đẹp xảy đến với chúng ta, với bất cứ số phận bình thường nào đó.
Âu cũng là điều tất yếu, cái xấu và cái tốt, bóng tối và ánh sáng luôn tồn tại song song với nhau để thiết lập nên trạng thái cân bằng của vạn vật. Con người cũng vậy. Điều quan trọng là duy trì được sự hài hoà, thăng bằng giữa hai trạng thái chứ đừng để rơi vào thái cực cực đoan nào.
Hải Triều