Cam thảo là vị thuốc phổ biến trong ẩm thực dưỡng sinh. Tuy nhiên, cam thảo chỉ phát huy được tác dụng nếu dùng đúng cách.
Theo các dược sĩ, trong y học cổ truyền, người ta vẫn sử dụng 3 loại cây cam thảo. Trong đó có cam thảo Nam có tác dụng điều trị tiêu độc, trị bệnh đường tiêu hóa, dạ dày, trị ho.
Một loại cam thảo nữa mà dân gian hay dùng là cam thảo Bắc, loại này chúng ta không trồng được và đa số là nhập về. Chất tạo nên vị ngọt của cam thảo Bắc cũng đóng vai trò là một tá dược, dẫn thuốc đi về các kênh, đi đến các cơ quan để được điều trị. Nó còn có tác dụng hòa hoãn, tức là làm bớt tính nhiệt của một vị thuốc nhiệt quá, hoặc làm bớt tính mát của một vị thuốc mát quá. Ngoài ra, cam thảo Bắc còn được dùng trong những bài thuốc trị họ, trị bệnh đau dạ dày, những bài thuốc bổ, hoặc có tác dụng giảm đau.
Vì có tác dụng giải độc nên rất nhiều người đã sử dụng cam thảo hàng ngày mà không biết rằng trong cam thảo có chứ 6 - 14% glycyrrhizin, cá biệt có loại chứa đến 23%, là chất có vị ngọt gấp 50 lần đường saccaroza. Nếu dùng nhiều hơn 5 gam glycyrrhizin một lúc có thể gây chứng loạn cơ và rối loạn nhịp tim. Vì vậy không phải ai cũng có thể dùng được vị thuốc này và cũng không nên sử dụng thường xuyên.
Trong cam thảo còn có thành phần chất có tác dụng kháng viêm nên nếu uống lâu ngày gây giữ nước và gây phù. Đối với người tăng huyết áp nếu uống cũng gây tăng huyết áp.
Ngoài ra, cam thảo có thể gây thải Kali và khi thải Kali thì gây ra nhiều ảnh hưởng trên tim cũng như bị nhược cơ.
Với mỗi người bình thường mỗi ngày không nên dùng quá 2 gói trà thanh nhiệt có cam thảo. Và cũng không nên sử dụng nước có chứa cam thảo như: nhân trần, báo bảo thay nước lọc. Cam thảo chống chỉ định với người bị viêm thận, táo bón mãn tính, viêm phế quản, người có huyết áp không ổn định.
Theo VnMedia - NT