Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT dừng cấp phép nạo vét, khơi thông đường thủy nội địa và sẽ giao việc này về cho địa phương gắn với các trách nhiệm cụ thể.

“Việc cấp phép nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa của Bộ GTVT nên dừng lại, giao cho địa phương...”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như thế trong buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do ông dẫn đầu với Bộ GTVT, ngày 21/3.

Dừng dự án đang hoạt động, không cấp phép mới

Theo đó, ông Dũng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, dừng toàn bộ việc nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, đồng thời không cấp mới các dự án. “Hiện có thực trạng việc cấp phép nạo vét mà địa phương không biết cũng như có chuyện “bảo kê”, xã hội đen dọa lãnh đạo tỉnh. Đây là lỗ hổng cần phải xem xét nhằm quản lý tốt hơn” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Giải trình với tổ công tác, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho hay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, các dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa trên cả nước đã tạm dừng để rà soát. Ông Giang cũng khẳng định hiện Bộ GTVT đã tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải và luồng đường thủy nội địa quốc gia.

“Hiện chỉ còn 14 dự án nạo vét và khơi thông luồng đường thủy nội địa do đơn vị cấp. 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông do địa phương cấp, trong đó có 166 mỏ cấp song song tuyến đường thủy nội địa. Điều này gây bất cập lớn trong công tác quản lý...” - ông Giang cho hay.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa cũng cho hay hiện nay ngành giao thông chỉ quản lý rộng nhất là 80 m lòng sông và 20 m gần hành lang, còn lại địa phương quản lý. Đây cũng là bất cập để các đối tượng lợi dụng chồng lấn giữa các bên để khai thác.

Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ngắt lời: “Quy định đúng rồi nhưng 80 m Bộ quản lý hiện nay đang chồng lấn các dự án khai thác mỏ. Chưa nói việc các đơn vị khai thác “thò vòi rồng” lung tung. Quan trọng là cái vòi nằm ở đâu...”. Ông Mai Tiến Dũng lưu ý và cho rằng tình trạng chồng lấn trong quản lý cũng khiến các nhà khai thác “đánh nhau”.

images1855519_d_ng_n_o_v_t_s_ng_tr_n_c__n__c____nh_1_58d1b7ba0a62f.jpgCục Đường thủy nội địa Việt Nam đã cho dừng các dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa trên cả nước để rà soát. Trong ảnh: Thi công nạo vét luồng sông Soài Rạp. Ảnh minh họa: Anh Vũ.

“Chỗ nạo vét thì không nạo vét mà toàn nạo vào bờ”

Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, hiện nay việc quản lý, cấp phép nạo vét luồng lạch lòng sông là trách nhiệm của Bộ GTVT. Nhưng khi cấp phép nạo vét luồng lạch lòng sông, các doanh nghiệp lợi dụng vào để khai thác cát làm sạt lở ven bờ... Đây là vấn đề nóng nhất mà các địa phương đang phản ứng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đồng tình với Thủ tướng phải phân cấp quản lý, cụ thể là giao quyền cấp phép về cho địa phương. Ông Trương Quang Nghĩa cho biết những lần đi công tác từ Bắc vào Nam thấy mỗi nơi có một loại hình quản lý nhưng đều có ý phàn nàn, địa phương bao nhiêu thứ thiệt hại mà chả được quyền lợi gì.

“Địa phương phản ứng rất đúng, vì họ thiệt hại rất nhiều mà không được quyền lợi gì. Chỗ nạo vét thì không nạo vét mà toàn nạo vào bờ. Bộ đã chỉ đạo dừng toàn bộ và kiểm điểm, đánh giá lại” - Bộ trưởng Nghĩa nói.

Nhắc lại sự bức xúc của nhiều địa phương về tình trạng hút trộm cát, Bộ trưởng Dũng kể: “Tuần trước tôi về quê Ý Yên (Nam Định), có tình trạng dân mang cuốc xẻng ra đánh nhau với cát tặc, nếu không cẩn thận là đổ máu. Năm 2004, người dân ở đây từng va chạm đổ máu với cát tặc. Vì vậy nên giao quyền cho địa phương trong việc cấp phép nạo vét, khơi thông luồng, tôi nghĩ họ sẽ làm tốt hơn...”.

Bộ trưởng Dũng cho rằng khi giao thẩm quyền về cho địa phương đồng thời sẽ gắn với trách nhiệm, đặc biệt nếu để khai thác cát sạt lở bờ thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

“Lợi dụng thanh tra để bảo kê xe quá tải”

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc xử lý xe quá tải, quá khổ là chủ trương lớn và trước đó Bộ GTVT đã thực hiện hết sức quyết liệt vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay dường như các cơ quan chức năng đang buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng xe quá tải tiếp tục tái diễn. Đặc biệt, có trường hợp lợi dụng thanh tra để “bảo kê” cho xe quá tải.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thừa nhận đang có tình trạng tái diễn xe quá tải, đặc biệt là xe quá tải đường dài. Nguyên nhân là do dừng Kế hoạch 1259 liên bộ Công an và GTVT về kiểm soát tải trọng xe. Từ đó đến nay đã có 21 tỉnh dừng kiểm tra xe quá tải. Bên cạnh đó, tại một số địa phương còn xuất hiện tình trạng “bảo kê”, thiếu trách nhiệm trong việc chống xe quá tải. Theo ông Huyện, để kiểm soát tốt xe quá tải phải khởi động lại Kế hoạch 1295.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định đây là vấn đề Thủ tướng rất quan tâm và yêu cầu Bộ GTVT cần phải có biện pháp ngăn chặn. Đặc biệt Bộ GTVT phải làm việc với Bộ Công an tiếp tục triển khai việc kiểm soát xe quá tải, nếu vướng phải báo cáo ngay cho Chính phủ.

“Nếu chúng ta không quản lý nổi xe quá tải thì vài năm hạ tầng giao thông sẽ tan nát hết...” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

_____________________

Vụ khai thác cát ở Bắc Ninh: Phải chỉ rõ sai phạm!

Bộ GTVT rất mong có gì tiêu cực trong cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Cục Đường thủy nội địa, thì cứ làm rõ. Đồng thời cần quyết liệt chỉ ra sai phạm cụ thể ở đâu, một là cơ quan nhà nước, hai là xã hội đen trong hoạt động này...

Bộ trưởng GTVT TRƯƠNG QUANG NGHĨA

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN