(Baonghean) Phải nhìn thẳng vào sự thật đó mà thay đổi tư duy đi. Có trình độ, có kiến thức, chịu khó mày mò, học hỏi thêm chút nữa thì dư sức kiếm ăn, việc chi cứ phải chăm chắm trông vào mấy đồng lương còi đó. Nói tóm lại là đừng tự làm khổ mình vì ba cái danh hão!
- Lại có thêm hàng trăm giáo viên bị… mất dạy, anh Chắt ạ!
- Rồi lại kêu cứu, kiện cáo ầm cả lên cho mà coi!
- Kể cũng lạ, sao tuyển người ta đi dạy rồi lại thôi là sao?
- Là vì tuyển nhiều hơn so với nhu cầu nên mới dôi ra. Rồi Nhà nước đang có chủ trương giảm biên chế, giảm đội ngũ những người hưởng lương để làm nhẹ bớt gánh nặng cho ngân sách. Và…
- Và chuyện chi nữa?
- Người ta giờ sinh ít con hơn ngày trước nên số lượng học sinh cũng giảm đi. Có khi hai xã nhập lại mới đủ học sinh cho một trường cho nên cũng dôi giáo viên ra. Chưa kể là những người có quyền ký nhận, dù biết đã dôi dư người dạy, nhưng để có phong bì nên vẫn cứ ký đại đi rồi ra sao thì ra. Nhưng mà…
- Mà sao?
- Nói đi rồi phải bàn trở lại. Xảy ra hiện tượng dôi dư đó là “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”. Có không ít người biết không có chỗ để dạy nữa nhưng vẫn cứ cố sống, cố chết chạy chọt để được đi dạy. Dù đồng lương dạy hợp đồng chẳng đủ sống mà vẫn cứ bám vào.
- Thì đã học xong rồi không lẽ để cái bằng xếp xó nó phí đi!
- Học thì ấm vào thân, xếp lại hay mở ra thì có gì là phí đâu. Không đi dạy thì có thể đi làm các việc khác được mà.
- Nhưng các việc khác họ đâu có được đào tạo?
- Ả Nhiêu cứ nhìn vào mấy bác nông dân thì biết, có ai được đào tạo bài bản đâu mà rồi buông cày, buông cuốc ra là biết chạy chợ, làm thợ, chế tạo đủ thứ máy móc này nọ. Không ít người trở nên khấm khá là nhờ biết “buông tay mặt, bắt tay trái”. Họ làm được vậy là nhờ không chỉ có ý chí mà còn biết trọng cái thực chất, hiệu quả của công việc không vướng bận vào ba thứ danh hão huyền.
- Ý của anh Chắt là…?
- Là nhiều người thích ăn trắng mặc trơn, thích làm thầy hơn làm thợ, thích nhàn thân. Rồi lại sợ mang tiếng có bằng cấp mà lại phải đi làm việc này, việc nọ không tương xứng nên cứ cố bám lấy cái nghề được học để giữ được cái danh. Cho dù, thu nhập còn không bằng nông dân sản xuất giỏi. Danh hão có mài ra mà ăn được đâu!
- Vậy thì…?
- Thì phải nhìn thẳng vào sự thật đó mà thay đổi tư duy đi. Có trình độ, có kiến thức, chịu khó mày mò, học hỏi thêm chút nữa thì dư sức kiếm ăn, việc chi cứ phải chăm chắm trông vào mấy đồng lương còi đó. Nói tóm lại là đừng tự làm khổ mình vì ba cái danh hão!
Tri Kỷ