Dòng sữa chảy tràn lên má, lăn vào những mụn nước đã vỡ khiến bé bỏng rát … là hình ảnh xót xa khi bé Đ.C.Minh, 6 tháng tuổi đến từ Hà Tĩnh mới được tiếp nhận vào điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Vinh. Gần 1 tháng qua, bé Minh đã phải trải qua cảm giác khó chịu với tình trạng da mặt nổi ban đỏ, phù nề, xen kẽ những vết nứt nẻ, loét và rỉ dịch có mùi tanh đọng trên làn da mặt vốn dĩ mịn màng và mềm mại của bé.
Mẹ bé cho biết: “Lúc đầu, mặt bé nổi những mảng đỏ, rồi trở thành mụn nước nhỏ li ti xuất hiện ở 2 má và trán. Tuy nhiên, do chủ quan nên gia đình tự mua thuốc về thoa và cũng đã đưa bé đi điều trị ở một vài nơi nhưng tình trạng càng ngày càng nặng hơn".
Sau khi tiếp nhận bé với tình trạng da bị tổn thương lan rộng và sâu, các bác sĩ Khoa Nhi và Da Liễu, Bệnh viện Quốc tế Vinh đã tiến hành thăm khám và hội chẩn, kết luận bé bị viêm da cơ địa bội nhiễm (chàm bội nhiễm); đồng thời thống nhất đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, hiệu quả.
Tình trạng da bé cải thiện hơn qua mỗi ngày và chỉ một tuần sau, da mặt bé đã hồi phục gần như hoàn toàn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh - Khoa Nhi cho biết: “Viêm da cơ địa là tình trạng da bị viêm mạn tính, tiến triển từng đợt, thường bắt đầu ở lứa tuổi 2-3 tháng với đặc điểm là ngứa và có tổn thương dạng chàm. Bệnh thường xuất hiện ở những người có tiền sử bản thân hay gia đình mắc các bệnh có yếu tố dị ứng như: Hen, viêm mũi xoang dị ứng, sẩn ngứa, dị ứng thuốc, mày đay... Những người có làn da nhạy cảm, sức đề kháng thấp, hệ miễn dịch kém dễ dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, khi đó việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn".
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền - Khoa Da liễu cho biết thêm: “Viêm da cơ địa bội nhiễm rất dễ bị nhầm với viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, ghé, nẻ hay rôm sảy bởi biểu hiện chung của các bênh trên là mẩn đó ngứa rát. Tuy nhiên, viêm da dị ứng hay nẻ, rôm sảy sau một thời gian sẽ khỏi hẳn, còn viêm da cơ địa thì tiếp tục đeo bám trẻ suốt những năm tháng đầu đời”.
Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa trong đó có yếu tố di truyền, môi trường, thực phẩm, do tiếp xúc trực tiếp với côn trùng; hoặc có thể bắt nguồn từ các loại nước tắm, bột giặt, nước xả vải…
Triệu chứng thường gặp của viêm da cơ địa là trên da xuất hiện những dấu hiệu mẩn ngứa, ban đỏ, sau đó lan ra xung quanh gây ngứa ngáy, khó chịu. Có trẻ xuất hiện những mụn nước, sau khi gãi chảy dịch và chảy máu. Nếu không điều trị đúng cách, sẽ lan rộng ra toàn thân, khiến trẻ quấy khóc, kém ăn, kém phát triển…
Viêm da cơ địa không phải là bệnh truyền nhiễm tuy nhiên, bệnh rất dễ tái phát và gây khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như sự phát triển của trẻ về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, phụ huynh cần phòng bệnh cho trẻ bằng cách tránh các tác nhân gây bệnh và cần phát hiện sớm những biểu hiện bất thường của da bé và đưa bé đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không tự ý dùng thuốc để chữa bệnh cho trẻ, dễ gây biến chứng nguy hiểm./.