(Baonghean) - Để sản xuất vụ đông thực sự trở thành mùa vụ chính trong nhận thức và hiệu quả, vấn đề chỉ đạo thực hiện và luôn có giải pháp bổ cứu, nhân rộng cách làm hay ở cơ sở là rất quan trọng. Đó được coi là “chìa khoá” để các địa phương ở Nghệ An phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong sản xuất vụ đông.
 
 
images1065723_trong_rau_vu_dong.jpgSản xuất rau vụ đông ở xóm 10, xã Nghi Kim, TP. Vinh.
 
Cán bộ nào, phong trào ấy…
 
Trên cánh đồng xóm 7, xã Nghi Hoa (Nghi Lộc), chúng tôi gặp Xóm trưởng Hoàng Văn Thanh khi hai vợ chồng anh đang vun gốc cho  7 sào ngô đông (giống ngô nếp ADI 600). Nhà chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính,  vốn đã có 2,5 sào đất, nhưng khi những hộ khác bỏ vụ không làm, anh chị đã nhận thêm 4,5 sào nữa; kể cả 2 mẫu ruộng gia đình anh chị đang làm thì trong đó hơn 1 mẫu cũng là của nhiều nhà khác bỏ hoang. Năm ngoái vụ đông thất bát, mỗi sào ngô chỉ được 500 nghìn đồng tiền lãi, thế nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, cánh đồng của xóm 7, Nghi Hoa năm nay đang ngút xanh ngô đông. Anh Thanh chia sẻ: “Cứ thấy nhà ai bỏ ruộng là tôi xin nhận làm thêm. Mình phải làm kín đất thì mới dễ bảo vệ, phòng sâu hại từ ruộng nhà khác tràn sang. Vả lại để đất hoang nóng ruột lắm!”. Để có đủ thời gian chạy đua với thời tiết, thời vụ, gia đình anh Thanh đã chọn giống ngô nếp siêu dẻo với thời gian chỉ 65 -70 ngày, theo tính toán sẽ thu về khoảng 10 triệu đồng. Gương bám đất, bám vụ sản xuất của Xóm trưởng Hoàng Văn Thanh đã “lôi kéo” bà con nông dân không những xóm 7 mà cả các xóm 8, 9 tích cực ra đồng khép kín diện tích. Xóm trưởng Thanh cho biết: Vừa làm vừa động viên bà con, phía cán sự xóm thì kịp thời triển khai kế hoạch bảo vệ đồng ruộng, cắt cử người bảo vệ, thường xuyên thông báo nông lịch và phòng trừ sâu bệnh… dần tạo tính tự giác trong nhân dân.
 
Về xóm Điện Biên, xã Lưu Sơn (Đô Lương) chúng tôi gặp Bí thư chi bộ xóm Đào Văn Hộ khi ông đang đi thăm đồng. Tay cầm cuốn sổ theo dõi tình hình, ông vừa động viên các gia đình chăm sóc hoa màu, vừa kiểm tra ruộng nhà mình. Ông chia sẻ: Xóm Điện Biên hiện đã làm hết 100% diện tích vụ đông. Khi có kế hoạch ở trên về, xóm tiếp thu chủ trương thông qua chi ủy, chi bộ, rồi triển khai ra Mặt trận, các đoàn thể, sau đó họp toàn xóm giao việc cho các hộ. Ban cán sự còn phải nắm vững thị trường để tư vấn cho bà con trong sản xuất. Với sự nhạy bén trong chuyển đổi cây, con, giá trị vụ đông ở Lưu Sơn gấp 3 - 4 lần vụ hè thu. Năm nay xóm đã làm được 18 ha rau màu, tăng 2 ha so với năm ngoái, chủ yếu những loại cây rau dễ tiêu thụ. Xóm có 186 hộ thì 181 hộ sản xuất vụ đông. “Lạ” là cũng đồng đất 2 lúa khá cao ráo, xóm Điện Biên làm 100% diện tích mà xóm khác bên cạnh lại bỏ không. Nay nhiều hộ ở xóm Điện Biên đã no ấm nhờ có vụ đông. Còn ông Phan Đình Lữ - Bí thư xóm 3, đồng thời là Trưởng Ban Mặt trận của xã Diễn Mỹ (Diễn Châu), nhà làm 6 sào đất vụ đông chủ yếu trồng ngô, cho biết: “Khi có kế hoạch từ xã, chi bộ họp rồi ra ngay nghị quyết sản xuất vụ đông, cơ cấu vùng đất sâu nuôi cá, vùng đất màu trồng rau, đất hai lúa trồng ngô, sau đó từng bước triển khai đến tận từng tổ dân cư. Ban cán sự xóm cùng với HTX Nông nghiệp Diễn Mỹ ứng vật tư toàn bộ cho bà con”. 
 
Không chỉ cấp xóm, cấp xã, ngay cả cấp huyện, ở đâu cấp ủy quan tâm chỉ đạo, chính quyền vì lợi ích của người dân, thì phong trào vụ đông phát triển mạnh. Đô Lương  là huyện làm tốt vụ đông hơn 10 năm trở lại đây,  sản xuất vụ đông ở địa phương này đang có xu hướng tăng mạnh giá trị, với những giống cây trồng cho năng suất cao. Phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương đã ra tận Thái Bình mua giống  lạc TB 25  về gieo và nhân giống tại huyện, kết quả cho mỗi củ 3 hạt, năng suất cao hơn các loại lạc khác trên địa bàn; sau khi đưa vào thử nghiệm, huyện mua hết sản phẩm để nhân ra các xã khác, đến nay đã tạo ra phong trào sản xuất lạc TB 25 ở nhiều xã. 
 
Thực tế sản xuất vụ đông ở Nghệ An cho thấy, thành công có phần quan trọng nhờ những cán bộ cơ sở đã dám làm, dám chịu, dám thử nghiệm những cây trồng mới có hiệu quả cao. Họ luôn lắng nghe ý kiến nông dân, tìm tòi, sáng tạo, và tâm huyết trong vận động, chỉ đạo. “Cán bộ nào phong trào ấy” - huyện nào, xã nào chỉ đạo tốt thì nơi đó vụ đông hiệu quả và và ít có tình trạng nông dân bỏ ruộng trong vụ này. 
 
Đẩy mạnh cơ cấu mùa vụ và giống
 
Sản xuất vụ đông phải liên tục theo dõi, ghi chép và bổ cứu giải pháp bởi diễn biến khí hậu ngày một thay đổi. Ông Trần Doãn Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương cho rằng: Vụ đông phải làm sớm, ví như 1 sào rau ở các xã Thuận Sơn, Trung Sơn, Lưu Sơn mỗi vụ 3-4 lứa, sau khi trừ chi phí còn lãi 4 triệu đồng. Vì vậy, Đô Lương phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất hè thu, thời điểm 30/8 phải thu hoạch xong hè thu và đến 10/9 là xong vụ đông để nhanh có sản phẩm. Huyện cũng chỉ đạo các xã sản xuất vụ đông phải sản xuất đồng loạt, tạo ra vùng, vệt, có  nguồn sản phẩm hàng hóa lớn thu hút tư thương vào thu mua. Bà con nông dân thì vừa tranh chấp được khung thời vụ, vừa tạo được nguồn cung hàng ổn định cho thương lái đặt hàng dài hạn. Mặt khác, việc cơ cấu vụ đông ở các xã dọc đường 7 như Đặng Sơn, Bắc Sơn, Lưu Sơn... còn là để thương lái dễ vào mua hàng. Đến nay Đô Lương đạt 2.000 ha sản xuất vụ đông, trong đó trồng 1.000 ha ngô, 300 ha rau đậu, 160 ha lạc...
  
Huyện Diễn Châu cũng liên tục bổ cứu giải pháp để có vụ đông thắng lợi. Chủ trương chỉ đạo của huyện Diễn Châu vụ đông vẫn là vụ sản xuất chính, nên theo đề án, huyện xây dựng những cánh đồng có doanh thu và thu nhập cao. 3 năm gần đây huyện có chính sách thưởng từ 20-30 triệu đồng/xã nếu vượt chỉ tiêu diện tích trồng ngô trên đất 2 lúa, chính vì vậy đã khuyến khích phần lớn các xã, xóm sản xuất vụ đông. Đồng thời huyện tổ chức linh hoạt từng vùng: Vùng chủ động tưới tiêu ưu tiên rau màu hàng hóa như dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, khoai tây, đậu tương, đậu quả, rau xen ngô... Vùng thoát nước tốt trồng ngô lấy hạt bằng các giống: NK66; LVN 14; P4199; NK6654, gợi ý các xã  ký hợp đồng với Công ty TH True Milk trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa, bằng các giống ngô có sinh khối lớn như NK66; LVN 14; P4199; NK6654. 
 
Còn tại huyện Quỳnh Lưu, với truyền thống chuyên rau màu, huyện ưu tiên bố trí trồng hành, khoai tây, cà chua và các loại rau hàng hoá để tạo giá trị và thu nhập cao. Vùng đất chuyên trồng lạc vụ xuân cũng được bố trí diện tích hợp lý để trồng lạc đông. Bị cạnh tranh khốc liệt từ rau ngắn ngày, huyện Quỳnh Lưu đang chỉ đạo trồng bí xanh, bí đỏ trên đất 2 lúa. Trong đầu tư, huyện cũng ưu tiên vốn cho cải tạo hạ tầng kênh mương tiêu nước vùng màu ở Quỳnh Liên, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng...Với cây ngô, do không có điều kiện phơi sấy, nhiều xã không muốn sản xuất, vì vậy huyện đang xây dựng trồng cây dược liệu, đưa trang trại ra đồng hoặc trồng lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, vụ đông ở Quỳnh Lưu mới đạt 2.200 ha/4.300 ha KH, đòi hỏi lãnh đạo các cấp ở đây phải còn trăn trở nhiều... 
 
Nông dân xóm Điện Biên, xã Lưu Sơn (Đô Lương) chở nước ra đồng tưới rau vụ đông.
 
Mở rộng sản phẩm đáp ứng thị trường
 
Như chúng tôi đã đề cập, việc mở rộng diện tích ngô trên đất 2 lúa như ở xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu (xem Báo Nghệ An số ra ngày 14/10) nói là hình mẫu lý tưởng, để tỉnh có chính sách hỗ trợ về khâu làm đất vụ đông, vì đây là khâu quan trọng, quyết định thời vụ và phù hợp với thực tế bởi do lao động trong nông nghiệp ngày càng ít. Các địa phương cần chú ý ngô và đậu tương là 2 cây trồng chiến lược đang được Bộ Nông nghiệp - PTNT khuyến khích phát triển để giảm nhập khẩu từ các nước; cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng để phát triển chăn nuôi. Ông Trần Doãn Hùng –Trưởng phòng Nông nghiệp huyện  Đô Lương khẳng định: Phải tập trung phát triển lại cây ngô bởi sản phẩm rất dễ bán, song chế biến lại chưa tương xứng. Xu hướng chuyển đổi của Đô Lương năm 2015 là chuyển 800 ha lúa kém hiệu quả sang trồng ngô hàng hóa. 
 
Hiện nay mặc dù diện tích rau vụ đông toàn tỉnh đạt hơn 10.000 ha, nhưng nguồn rau sạch là nhu cầu bức thiết của thị trường thì chưa được quan tâm. Ngay cả ở TP. Vinh, nơi đã có những dự án rau sạch, nhưng cũng chưa được kiểm nghiệm và quan tâm đúng mực. Tình trạng sản xuất rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều gây lo ngại cho người tiêu dùng vẫn diễn ra khá phổ biến. 
 
Như vậy, hơn 10 năm Nghệ An đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính, bà con nông dân từ tâm lý “làm chơi ăn thật” đã chuyển nhận thức “làm thật ăn thật”, tư duy làm hàng hóa cho vụ đông đã khá quyết liệt ở nhiều địa phương và sản xuất vụ đông nhiều nơi còn cho hiệu quả cao hơn hẳn vụ hè thu. Thực tế cũng cho thấy: Nơi nào chỉ đạo tốt, chỉ đạo mạnh, cán bộ trăn trở, dày công  thì nơi đó diện tích vụ đông đạt cao, ổn định. Năm nay thời tiết thuận lợi, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,2 đến 1,50C nên  rất thuận lợi cho sản xuất vụ đông. Chính quyền, các ban, ngành, các cấp cần kịp thời có các chính sách đầu tư hỗ trợ liên kết chế biến và tiêu thụ hàng hóa, giảm bớt sự khập khiễng giữa sản xuất và năng lực chế biến, tiêu thụ… nhằm đưa vụ đông thực sự trở thành vụ sản xuất chính trong nhận thức và hiệu quả.
 
Để đẩy mạnh sản xuất vụ đông, tỉnh Nghệ An và các địa phương cần chú trọng khâu bảo quản sản phẩm đáp ứng tốt thị trường. Vấn đề này, hiện Nhật Bản đang chuyển giao công nghệ sau thu hoạch cho Việt Nam ở các sản phẩm nông nghiệp như: chế biến tỏi trắng sang tỏi đen, bảo quản vải sau thu hoạch, bảo quản cá ngừ, để nâng giá trị nông, hải sản (công nghệ CAS bảo quản nông – lâm - thủy sản và nâng cao giá trị sản phẩm).


Châu Lan