(Baonghean) - Sau 2 năm đẩy mạnh “dồn điền đổi thửa” theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất được bà con nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện với sự gia tăng hàng loạt thiết bị máy móc nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sửa chữa, thay thế phụ tùng các thiết bị này khi hư hỏng còn là vấn đề “nan giải” với nhiều hộ nông dân.
 
Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 13.654 máy cày đa chức năng, 8.888 máy gặt cầm tay, 75 máy cấy, hơn 10 nghìn máy tuốt lúa có động cơ, gần 4000 máy phun thuốc, 9200 máy móc trong nuôi trồng thủy sản, 123 máy sấy nông sản,… Cho thấy, máy móc ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta, thực sự minh chứng hiệu quả thay thế sức người, tăng năng suất và hiệu quả lao động. Đồng thời với đó, là nhu cầu lớn trong việc sửa chữa, thay thế phụ tùng khi các thiết bị máy móc này hư hỏng.
 
 
image_9498255.jpgAnh Lang Văn Dướng ở bản Bình 2 xã Châu Bình (Quỳ Châu) tự sửa máy cày phục vụ sản xuất. Ảnh: Nguyên Sơn
 
 
Huyện Yên Thành là vựa lúa lớn nhất tỉnh và cũng là nơi nông dân áp dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có quá trình cơ giới hóa. Đến xã Liên Thành, gặp anh Vũ Hữu Vinh đang vận chuyển chiếc máy cày bị hỏng đến cơ sở sửa chữa, anh cho biết: “Nhà tôi ở xã Bảo Thành, cách đây hơn 10 cây số, mỗi khi máy hỏng, tôi đều phải mang máy xuống tận đây để sửa chữa. Bây giờ bà con sử dụng máy cày, máy cấy nhiều, nhưng nơi để sửa chữa thì còn ít lắm”. Theo anh Vinh, hiện nay vẫn có dịch vụ sửa chữa máy móc tận nơi nhưng hiệu quả không cao, thợ sửa không thể mang đủ dụng cụ, đồ nghề để thay thế, sửa chữa khi chưa biết cụ thể “bệnh” của máy. Vì thế, vào mùa  vụ “căng” việc, có khi máy hỏng nằm một chỗ nhiều ngày liền, rất sốt ruột”. 
 
Đến thăm cơ sở sửa chữa máy móc nông nghiệp của anh Phan Hoàng Tiến (xóm Liên Giang, xã Liên Thành). Từ đầu ngõ đến trong xưởng của anh la liệt các máy móc, từ máy cày, máy cấy cho đến máy gặt, máy tuốt lúa,…và hàng loạt các phụ tùng thay thế. Công nhân tại cơ sở liên tục ra tiếp nhận máy móc của nông dân các vùng lân cận mang đến. Anh Tiến cho biết: “Tôi mở xưởng sửa chữa từ năm 2008, khi máy móc nông nghiệp bắt đầu được người dân sử dụng nhiều. Cho đến nay, trên toàn huyện, những cơ sở sửa chữa như của tôi không nhiều. Trung bình mỗi ngày, xưởng chúng tôi sửa chữa trên dưới 10 máy, đủ các loại khác nhau. Vào mùa vụ, có ngày phải sửa gấp tới vài chục chiếc, liên tục đến nửa đêm mới kịp để bà con có máy sử dụng”. Anh Tiến cho biết thêm, với các hỏng hóc thông thường, mức giá sửa chữa dao động từ 100 - 150 nghìn đồng/máy, trừ chi trả cho 4 lao động thường xuyên từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng và chi phí mua phụ tùng, mỗi năm anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề này. “Càng ngày bà con sử dụng máy móc càng nhiều nên nhu cầu sửa chữa rất lớn, tôi đang cho con trai út học theo cơ khí, về sửa chữa ngay tại xưởng để phát triển nghề” - anh Tiến nói.
 
Ở huyện Thanh Chương, sau dồn điền đổi thửa, bà con đưa nhiều loại máy móc vào sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy cấy và máy hái chè, thế nhưng địa phương này lại thiếu các cơ sở sửa chữa. Khi hỏng hóc, những máy móc này cứ phải “xếp hàng dài” chờ thợ sửa, lỡ thời gian sản xuất của bà con, ảnh hưởng đến năng suất và gây tốn kém tiền của. Ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp Thanh Chương cho biết: “Với những thiết bị có cấu tạo đơn giản, nếu học được những kỹ năng cơ bản như thay dầu, thay thế ốc vít,… thì bà con vẫn có thể tự sửa được. Còn đối với những máy móc công suất lớn, thiết kế phức tạp thì việc sửa chữa đòi hỏi kỹ năng của các thợ lành nghề địa phương hoặc hỗ trợ từ các doanh nghiệp cung ứng máy”.
 
Học viên học sửa chữa máy móc nông nghiệp tại Trung tâm HN – DN Nam Đàn (ảnh do Trung tâm HN – DN Nam Đàn cung cấp)
 
Liệu doanh nghiệp có đồng hành cùng nhà nông hay không và hướng giải quyết tốt nhất cho thực trạng trên là gì? Khi được hỏi về vấn đề này, ông Phan Duy Thiều, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp & PTNT cho rằng: “Nhiều nông dân có năng lực tài chính nhưng năng lực kỹ thuật còn hạn chế. Khi có tiền và có nhu cầu, bà con mua máy nhưng lại không tìm hiểu kỹ về cơ chế vận hành cũng như những kiến thức cơ bản về máy móc, dẫn đến máy hay hỏng hóc và bà con bế tắc trong khâu sửa chữa. Để góp phần giải quyết vấn đề này, song song với việc hỗ trợ, khuyến khích nông dân mua máy, tỉnh cũng đã giao cho 6 doanh nghiệp trên địa bàn cung ứng và chịu trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng cho máy móc của người dân. Các doanh nghiệp này đã tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng máy móc, đồng thời áp dụng các chính sách bảo hành theo định kỳ, tùy vào từng loại máy”. Cũng theo ông Thiều, thì từ năm 2015 này, việc liên kết giữa chính quyền và doanh nghiệp bán máy nông nghiệp bắt đầu được giao cho huyện phụ trách, song tỉnh vẫn khuyến cáo nên áp dụng mua máy tại các cơ sở này để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Mặt khác, bản thân nông dân cũng cần tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức kỹ thuật vận hành máy móc tốt hơn nhằm kéo dài tuổi thọ của máy, đồng thời có thể tự sửa chữa được các hư hỏng nhỏ. 
 
Trước xu hướng và nhu cầu trên, thực hiện Đề án 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, nhiều trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề cũng đã đưa ngành sửa chữa máy móc nông nghiệp vào quá trình giảng dạy. Tại Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề huyện Nam Đàn, ngành này bắt đầu chính thức đưa vào đào tạo từ năm 2012. Từ đó đến nay, số lượng học viên theo học ngày càng nhiều. Ông Hoàng Nguyên Tú - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Ngành này tuy mới mở nhưng số lượng học viên đăng ký khá lớn, mỗi năm có từ 1- 2 lớp, mỗi lớp khoảng 30 học viên. Tùy thuộc vào chính sách của cấp trên và nhu cầu thực tế của học viên mà trong thời gian tới, trung tâm sẽ có điều chỉnh đào tạo ngành cho phù hợp”. 
 
Việc học nghề và tích lũy kinh nghiệm sửa chữa máy móc nông nghiệp không chỉ giúp bà con nông dân khai thác tối đa hiệu quả của máy, mà còn có thể giúp họ nâng cao trình độ kỹ thuật, trở thành thợ giỏi có thể mở cơ sở sửa chữa ngay tại địa phương, là một hướng đi khả quan và thiết thực trong tình hình nông nghiệp ngày càng phát triển, nhà nhà tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất như hiện nay. 
 
Phương Thảo