Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, GDP là con số thống kê quan trọng nhất của đất nước nhưng cách tính hiện nay lại rất lơ mơ, không chính xác, không biết thế nào mà lần.
 
 
images1139420_ttxvn_thongke.jpgChủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến tại phiên thẩm tra dự án Luật thống kê sửa đổi. Ảnh: TTXVN

Nhận định trên được Chủ tịch Quốc hội nêu ra vào chiều 11/3, khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thống kê sửa đổi.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) quy định lịch công bố thông tin thống kê là căn cứ để minh bạch hóa việc công bố, phổ biến thông tin thống kê, đồng thời đây cũng là cam kết của cơ quan thống kê trong việc cung cấp kịp thời các thông tin thống kê và giúp cho tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê chính thức chủ động tiếp cận, sử dụng.
 
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần quy định rõ các nguyên tắc, phương thức công bố thông tin thống kê nhằm tạo sự minh bạch, thuận lợi trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê chính thức đối với các tổ chức, cá nhân.
 
Vấn đề được đại biểu nêu là: Quy định nào đảm bảo tính chính xác của thông tin thống kê? Về việc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, luật sửa đổi lần này sẽ khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu bằng việc làm rõ trách nhiệm và hệ thống chỉ tiêu giao cho Tổng cục thống kê chịu trách nhiệm.
 
Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu vấn đề: Luật thống kê năm 2003 có nói đến thống kê chính thức và thống kê không chính thức. Tuy nhiên Luật này mới chỉ nói đến thống kê chính thức. 
 
Vậy nếu không quy định thống kê không chính thức thì ai quản lý? Nghĩa là vấn đề này đang bị bỏ rơi. Đại biểu dẫn dụ, các tổ chức đưa lên thống kê về số người xem chương trình truyền hình thực tế nhằm mục đích lôi kéo quảng cáo. Vậy ai chịu trách nhiệm trước các công bố thống kê này? Đại biểu đề nghị luật sửa đổi phải khắc phục được tình trạng này.
 
Về hệ thống tổ chức thống kê, dự thảo Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang có 3 luồng ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban kinh tế đề nghị quy định cơ quan thống kê Trung ương thuộc Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong hoạt động thống kê, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê.
 
Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị quy định cơ quan Thống kê trung ương do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Còn một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, cơ bản kế thừa quy định của Luật thống kê hiện hành.
 
Theo Bộ trưởng Vinh, có ý kiến đề nghị nên tách ra khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một là giao cho Chính phủ, hai là cơ quan khác. Nhưng nếu giao cho Chính phủ thì Bộ Kế hoạch & Đầu tư gần hơn, còn giao cho cơ quan khác thì Chính phủ vẫn quyết định, như vậy là như nhau.
 
Về việc này, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan thống kê nằm ở đâu không quan trọng mà quan trọng là công khai minh bạch chia sẻ thông tin thì tính độc lập sẽ cao.
 
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá luật này không minh bạch khi gần 100% điều khoản giao cho Thủ tướng và Chính phủ quy định. 
 
"Vậy người công bố chỉ tiêu quốc gia là ai? Ngay ví dụ như cách tính GDP của ta rất lơ mơ, không biết thế nào mà lần", Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, GDP là con số thống kê quan trọng nhất của đất nước nhưng cũng không chính xác. Vậy Luật lần này khắc phục thế nào? Vì chỉ tiêu không minh bạch mới dẫn đến tính không chính xác.
 
"Chỉ tiêu không chính xác thì sao lãnh đạo đất nước được? Phải công khai minh bạch chỉ tiêu quốc gia. Luật phải quy định chỉ tiêu quốc gia vào thẳng trong Luật, quy định từ chỉ tiêu cho đến cách tính cho rõ ràng, và chịu trách nhiệm rõ ràng chứ không phải giao hết cho Thủ tướng, Chính phủ quy định” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
 
Theo Infonet