(Baonghean) - Hội thảo khoa học phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ lần đầu tiên được tổ chức tại Nghệ An đã khép lại với thành công là những gợi mở sát thực cho một định hướng phát triển du lịch vùng. Nơi đã làm du lịch thành công, nơi mới đi những bước chập chững trên con đường phát triển ngành công nghiệp không khói đều có được ít nhiều kinh nghiệm từ hội thảo ý nghĩa này. Và một tư duy đã được thống nhất đó là phải liên kết mới mạnh.
Điểm nhấn trên bản đồ du lịch cả nước
Nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, Bắc - Nam Trung bộ có vai trò, vị trí địa du lịch quan trọng và thuận lợi để liên kết vùng, liên kết trong nước, liên kết quốc tế phát triển du lịch và trở thành một mắt xích quan trọng trong các chương trình du lịch của quốc gia. Vùng Bắc - Nam Trung bộ cũng là một phần của hành lang du lịch xuyên Á nên mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, trong phát triển du lịch chuyên đề quốc gia, Bắc - Nam Trung bộ còn là cái nôi của tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” qua các miền di sản thế giới (Thanh Hóa - Nghệ An - Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam).
Trên cơ sở phát huy thế mạnh về tiềm năng du lịch, thời gian qua, du lịch các địa phương vùng Bắc - Nam Trung bộ đã phát triển với nhịp độ tăng trưởng nhanh so với nhiều nơi khác trên cả nước và đạt được những kết quả nhất định. Năm 2015, khách du lịch quốc tế đi lại giữa các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ đạt 1,7 triệu lượt, khách nội địa đạt 17 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng. Đối với duyên hải Nam Trung bộ, khách du lịch quốc tế đi lại giữa các địa phương đạt gần 4,9 triệu lượt; khách nội địa đạt hơn 17 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 35,5 nghìn tỷ đồng.
Vùng đã được biết đến như một điểm sáng của du lịch Việt Nam với những sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch, như du lịch nghỉ dưỡng biển, đặc biệt ở khu vực biển Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, du lịch di sản đến cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, trong đó nổi bật với sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung”; Du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa Chăm; Du lịch MICE; Du lịch biên giới gắn với các cửa khẩu…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực trạng phát triển du lịch của các địa phương trong vùng cho thấy du lịch phát triển còn nhiều hạn chế và bất cập; chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Một trong những hạn chế đó là chưa có sự liên kết tạo sức mạnh tổng hợp, tạo tính đa dạng trong bản sắc riêng của sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng, trong xúc tiến quảng bá, quản lý nhà nước về phát triển du lịch...
Nhiều ý tưởng về sự liên kết
Vấn đề đã được đưa ra bàn thảo, mổ xẻ nhiều nhất tại hội thảo vừa được tổ chức cuối tháng 2 vừa qua tại Nghệ An đó là làm thế nào để cùng chung tay tạo nên một sự liên kết chặt chẽ, cần hạn chế những cái nhìn thiếu tầm dài hạn, chụp giựt trong kinh doanh… ảnh hưởng đến du lịch.
Theo ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, liên kết là vấn về cốt yếu trong chiến lược phát triển du lịch trên cơ sở “Buôn có bạn, bán có phường”. Có nghĩa là việc phát triển du lịch cần phải liên kết với nhau như việc tổ chức tour tuyến, hạn chế việc độc lập từng tỉnh, từng vùng miền mà doanh nghiệp du lịch khi thực hiện tour thường liên kết các điểm đến, các sản phẩm du lịch với nhau. Riêng với Đà Nẵng, cùng với xây dựng chiến lược và phát triển du lịch, đặc biệt là xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch, Đà Nẵng đã tích cực liên kết với Quảng Nam và Thừa Thiên Huế để tổ chức tour, tuyến du lịch cũng như các lễ hội để thu hút du khách đến một địa phương.
Tôi cho rằng tỉnh nên hợp tác nhiều hơn với các hãng du lịch, với những người chuyên tổ chức các tour du lịch ở Việt Nam để truyền đi thông điệp Nghệ An là địa danh tuyệt vời mà du khách không thể không đặt chân tới khi đến với đất nước Việt Nam.
Anh Dustin Gerding đến từ New York, Mỹ cho rằng điểm mạnh nhất có thể dễ dàng nhận thấy của ngành Du lịch Nghệ An chính là vẻ đẹp tự nhiên của mảnh đất và con người nơi đây. Khi khách du lịch ghé thăm bất cứ địa phương nào của xứ Nghệ như Pù Mát hay Bãi Lữ… cảnh quan thiên nhiên đều đem đến một cảm nhận tuyệt vời. Chưa hết, người dân nơi đây rất mến khách, khiến những người khách ghé thăm luôn cảm thấy được chào đón và có cơ hội học hỏi nhiều điều mới mẻ về bản sắc văn hóa vùng miền. Điểm yếu lớn nhất của tỉnh là chưa có nhiều du khách biết và tìm đến thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên cũng như trải nghiệm cuộc sống đời thường nơi đây. Do đó, Nghệ An cần đẩy mạnh tiếp thị hình ảnh của tỉnh trong và ngoài nước nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với địa phương. |
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Nghệ An khẳng định, với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành và liên vùng rất cao nên vấn đề liên kết đã được Nghệ An đặt ra để phối hợp với nhau trong quá trình phát triển du lịch. Ông cho rằng, những định hướng về liên kết sẽ góp phần thay đổi về tư duy “mạnh ai nấy làm” và vấn đề liên kết được xem là vấn đề sống còn của du lịch. Khi nhận thức rõ được vấn đề này, những người làm công tác du lịch ở Nghệ An cần quan tâm hơn đến công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển du lịch ở tầm vĩ mô của tỉnh, của vùng và của quốc gia, làm cho không gian du lịch đáp ứng nhu cầu liên kết.
Chung tay để phát triển
Đẩy mạnh hợp tác liên kết sẽ quyết định sự phát triển trong tương lai của du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ - đó là khẳng định của nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều tổ chức, cá nhân có bề dày làm du lịch. Quan điểm liên kết đã được khẳng định đó là tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các địa bàn khác trong cả nước và liên kết với quốc tế và với các nước trong khu vực nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, tạo sự độc đáo trong các tour du lịch, tăng cường chất lượng sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch, vừa tạo sự hài hòa, thống nhất và sức mạnh tổng hợp của từng địa phương, của vùng. Trong liên kết cần chú trọng đến vai trò đầu tàu của các tỉnh/thành phố có du lịch phát triển như Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Các hình thức liên kết gồm hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong từng vùng Bắc Trung bộ; duyên hải Nam Trung bộ; hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong khuôn khổ các tỉnh Bắc - Nam; hợp tác, liên kết phát triển du lịch các tỉnh Bắc - Nam Trung bộ với Tây Nguyên; hợp tác, liên kết phát triển du lịch các tỉnh Bắc - Nam Trung bộ với các đầu mối, trung tâm phân phối các thị trường khách du lịch lớn trong nước như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hợp tác, liên kết quốc tế phát triển du lịch với các nước trong khối ASEAN; ASEAN + 3; hợp tác trong khuôn khổ hợp tác du lịch hành lang Đông - Tây; các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng GMS; hợp tác 3 quốc gia một điểm đến (Thái Lan, Lào, Việt Nam); hợp tác 4 quốc gia (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam)…
Nội dung liên kết gồm liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch; thị trường du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch vùng; phát triển nguồn nhân lực du lịch; quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch; bảo vệ môi trường du lịch, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong các nội dung liên kết trên, các nội dung hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm; xúc tiến, quảng bá du lịch và đầu tư được ưu tiên hàng đầu.
Phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ theo hướng đẩy mạnh liên kết để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau tạo nên hệ thống sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, khác biệt, chất lượng cao cũng chính là định hướng chiến lược quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và định hướng phát triển du lịch của vùng Bắc - Nam Trung Bộ giai đoạn 2016 - 2020. |
Liên kết chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả sẽ tạo ra những cơ hội mới, thị trường mới, sản phẩm mới và không gian du lịch mới, góp phần tạo nên động lực phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung trong giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu sắc.
An Nhân