(Baonghean) - Sau hàng chục năm mai một, làng nghề Nồi đất ở xã Trù Sơn (Đô Lương) đang dần khởi sắc, trong đó có sự góp sức của những hoạt động du lịch trải nghiệm.
Ngày Chủ nhật cuối tháng Tư, không khí làng Nồi có vẻ tưng bừng hơn, nhiều đoàn xe con đỗ kín đường làng. Nhà chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm 11 vui như đám cưới. Giữa sân, nhiều nghệ nhân trong làng đang “biểu diễn” và hướng dẫn cách làm nồi đất cho khách tham quan.
Những khối đất dẻo, mịn, qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, cùng với những dụng cụ đơn giản như bàn xoay, mảnh vải, vòng tre, những nồi, niêu, ấm, hũ... lần lượt xuất hiện trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Hàng chục người vây quanh các nghệ nhân chăm chú theo dõi tỷ mỷ từng động tác vo viên, dạt đất, đẩy bàn xoay.
Sau khi xem, họ có thể bắt tay vào làm thử, nặn nồi, bình, chậu... tùy theo sở thích. Các cháu bé là những người hăng hái nhất, sà ngay vào các khối đất, tập xoay bàn, nặn hình chim muông, bát đĩa và viết những dòng tên của mình lên đó...
Các nghệ nhân sẵn sàng giúp đỡ, chỉnh sửa, để các cháu tự tay làm được những sản phẩm của mình. Sân nhà chị Hồng trở thành nơi thực hành làm nghề nồi đất cổ xưa, thu hút đông đảo “học trò” đủ mọi lứa tuổi tham gia.
Những hôm có đoàn du lịch đến trải nghiệm nghề làm nồi đất, làng nồi lại rộn lên như thế. Từ nghệ nhân cho đến khách tham quan, ai cũng sôi nổi, hào hứng.
Nghệ nhân làng nồi phấn khởi bởi sau hàng chục năm việc sản xuất nồi đất rơi vào hẩm hiu “đi về mặc ai” thì nay bỗng dưng rộn rã hẳn lên, sản phẩm bán chạy hơn, lại có nhiều người đến tham quan, học hỏi. Khách muôn nơi về làng Nồi thì tò mò, thích thú với cách làm nồi đất thủ công của cha ông xưa mà giờ mới thấy tận mắt, sờ tận tay và nhất là được xắn tay áo làm nồi cùng với bà con.
Chị Nguyễn Thị Hồng phấn khởi cho biết: “Từ tháng 3 đến nay đã có hàng chục đoàn lớn, nhỏ về làng tham quan. Có đoàn đi gần 20 xe ô tô, trên 80 người, đứng xem chật cả sân nhà tôi. Họ còn ở lại, dùng nồi đất nấu cơm, kho cá, luộc rau, ăn uống vui vẻ. Đúng là làng Nồi từ xưa tới giờ mới có chuyện này”.
Ông Lê Xuân Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết, hiện trong xã có 4 xóm (10, 11,12,13) với hơn 60 hộ dân còn duy trì nghề làm nồi đất, cả làm chuyên lẫn làm thời vụ. 2 xóm (10; 11) thuộc làng Thượng Giáp xưa là cái rốn của nghề nồi đất ở Trù Sơn, nay còn khoảng 35 hộ làm nghề, riêng xóm 11 có gần 20 hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, xóm trưởng xóm 11, hồi xưa gần như nhà nào trong làng cũng làm nồi đất, từ những năm 80 của thế kỷ 20 thì nghề rơi vào khủng hoảng, hàng làm ra không ai mua, bán sản phẩm không đủ mua gạo để ăn, nhiều nhà đã bỏ nghề. 5 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu của thị trường về nồi đất tăng lên, làm cho nghề nồi đất ở Trù Sơn dần khởi sắc.
Tuy nhiên, do yêu cầu của thị trường, sản phẩm cũng đã khác xưa. Trước đây, bà con chủ yếu làm những nồi lớn để nấu, rang, hông... chở trên xe thồ đi bán khắp các làng quê, thì nay chuyển sang làm những sản phẩm nhỏ như bủm con, bủm vừa, siêu sắc thuốc, chậu đựng phong lan, bình lợn đất... để nhập cho lái buôn, cho các nhà hàng, khách sạn, nhà thuốc... trong và ngoài tỉnh.
Đồng thời với quá trình khôi phục sản xuất, hoạt động du lịch trải nghiệm, học tập ở làng nghề được manh nha. Những năm trước, thỉnh thoảng ở làng nghề mới có một vài người về tham quan, chụp ảnh, thì nay đã có khá nhiều đoàn, hội, nhóm đến với làng nghề bằng nhiều con đường khác nhau như việc liên kết tour của các đơn vị lữ hành, điểm dừng của các đoàn du lịch phượt... Họ đến để trải nghiệm cuộc sống thực tế, cùng sống, cùng làm với người dân, trong đó có cả những đoàn khách nước ngoài.
Được biết, trước khi có một đoàn khách đến tham quan, bà con đã chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, phân công nghệ nhân phục vụ, nơi tổ chức... Nhiều hôm đông người, xóm phải huy động cả nhà của các nghệ nhân, nhà văn hóa xóm, di tích lịch sử đền Hội Thiện để phục vụ.
Bao nhiêu năm chỉ biết miệt mài nặn, gọt, nấu... để làm ra các sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, thì nay bà con làm nghề ở Trù Sơn có thêm thiên chức mới là “biểu diễn” hướng dẫn cho khách du lịch. Điều đó cũng khiến cho các nghệ nhân không khỏi bỡ ngỡ, vụng về trong những hành động, cử chỉ lúc giao lưu. Tuy nhiên, điều mà du khách cảm nhận được rất rõ là sự nhiệt tình, cởi mở của bà con.
Chị Phan Thanh Dung (33 tuổi) - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cùng các con từng đến trải nghiệm thực tế tại làng Nồi cho biết: “Đoàn chúng tôi đi khá đông, trên dưới 80 người, lúc đến làng Nồi được bà con ở đây đón tiếp vui vẻ, tạo mọi điều kiện cho các cháu thực hành. Một làng nghề thủ công nhưng đem lại nhiều điều thú vị, nhất là đối với các cháu nhỏ”. Cùng với tâm trạng đó, chị Trần Thị Ngọc Dịu (35 tuổi) - cán bộ văn hóa thị trấn Thanh Chương) chia sẻ: “Thăm làng Nồi là trải nghiệm rất mới mẻ, khi đã đến đây thì chơi mãi không muốn về, nếu địa phương biết đầu tư làm du lịch sẽ rất ăn khách”.
Du lịch trải nghiệm ở làng Nồi là hoạt động hoàn toàn tự phát, nên tất cả còn “đơn sơ”, “dân dã” như chính lời ăn tiếng nói của người dân địa phương. Một hoạt động bên lề sản xuất, chưa đem lại cho bà con nhiều thu nhập nhưng đã mang đến luồng gió mới ở vùng quê yên bình này.
Anh Lê Xuân Thông - Bí thư Đoàn xã Trù Sơn cho biết: “Đoàn thanh niên đã tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch ở làng Nồi. Sắp tới, Đoàn xã sẽ chủ trì hoạt động dạy nghề làm nồi cho thanh niên 2 chi đoàn trung tâm của làng, thông qua đó để hỗ trợ cho các nghệ nhân trong các buổi du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó là hướng dẫn gợi mở cho thanh niên làng nghề lập trang web, facebook tăng cường quảng bá sản phẩm, hình ảnh của quê hương trên mạng. Việc dạy nghề làm nồi đất cho các em học sinh địa phương cũng sẽ được Đoàn thanh niên và các trường học xúc tiến”.
Với những cố gắng của cán bộ và người dân nơi đây, hy vọng làng Nồi ở Trù Sơn sớm trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách muôn phương trong hành trình khám phá xứ Nghệ.
Huy Thư