(Baonghean) - Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về định hướng phát triển du lịch Nghệ An thời gian tới. 

P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nếu năm 2016 được xác định là năm khởi nghiệp của Việt Nam thì năm 2017 có vẻ sẽ là năm của du lịch. Ngành công nghiệp không khói này đã được nhận định là hướng đi mũi nhọn cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Với riêng tỉnh Nghệ An chúng ta thì như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, có vị trí địa lý nằm trên tuyến giao thông đường sắt, đường bộ xuyên Việt, có Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua, có sân bay, cảng biển, đồng thời là một trong những cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam với Biển Đông, nên rất thuận lợi để mở rộng giao lưu hợp tác với các nước trong khu vực.

Nghệ An có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, đa dạng bao gồm biển đảo với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như Cửa Lò, Nghi Thiết, Bãi Lữ, Quỳnh Phương; nhiều rừng nguyên sinh, vùng sinh thái và hệ thống sông suối, hồ, đập, hang động, thác nước đẹp và nhiều cảnh quan, danh thắng còn giữ được vẻ hoang sơ, có thể phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tắm biển, thể thao, leo núi…

Đặc biệt, khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2007. 

images1887475_67a.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: P.V

Nghệ An còn được biết đến là vùng đất có bề dày về văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng, với hệ thống di sản văn hóa, di tích lịch sử, khảo cổ, công trình kiến trúc đặc sắc, phong tục tập quán, lễ hội và thơ ca, hò, vè… trong đó di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn, nơi lưu giữ các hiện vật và không gian văn hóa lịch sử gắn liền với cuộc sống thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Chính phủ công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt. 

Nghệ An có hệ thống giao thông thuận lợi như: Sân bay quốc tế Vinh, Cụm cảng quốc tế Cửa Lò, có đường cao tốc, đường sắt, đường bộ đi qua. Thành phố Vinh đã thực sự trở thành 10 trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của các tỉnh vùng Bắc Trung bộ.

Như vậy, có thể khẳng định, Nghệ An là một trong những tỉnh có tiềm năng để phát triển du lịch; vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cũng đã xác định du lịch là một trong những trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Đoàn khảo sát du lịch cộng đồng Homestay và thưởng thức một số sản phẩm mẫu do dự án JICA sản xuất. Ảnh: Vương Bằng

P.V:Nhưng trên thực tế thì du lịch Nghệ An vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ Việt Nam so với những cái tên quá nổi bật như Đà Nẵng, Hội An, Sapa, Đà Lạt, Quảng Bình, Hà Giang,… Nguyên nhân do đâu, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường:Có nhiều nguyên nhân nhưng tôi sẽ nhấn mạnh hai nguyên nhân chính. 

Trước hết, là do sản phẩm du lịch của tỉnh Nghệ An còn đơn điệu, thiếu đa dạng, chưa thực sự tạo được sức hút đối với khách du lịch. Tài nguyên du lịch tuy nhiều về số lượng, nhưng phân bố không tập trung, sự nổi trội còn hạn chế. Ngoài di sản văn hóa phi vật thể là Dân ca ví, giặm, thì Nghệ An không có di sản vật thể thế giới như một số địa phương khác trong vùng như Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Các sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy, khách du lịch ngoài đến Cửa Lò để nghỉ mát, tắm biển, ăn hải sản thì chưa có các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm phục vụ du khách. Vườn quốc gia Pù Mát khá hấp dẫn nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. 

Hơn nữa, nhiều điểm du lịch ở xa trục đường giao thông, kết cấu hạ tầng chưa phát triển ảnh hưởng đến việc tổ chức và kết nối các chương trình tham quan cho khách du lịch.

Tôi lấy ví dụ, miền Tây Nghệ An là một “mỏ” tài nguyên du lịch tự nhiên, sinh thái với nhiều ngọn núi, ngọn thác đẹp và hùng vĩ; thế nhưng du khách không thể vượt quãng đường vài trăm, thậm chí vài nghìn ki-lô-mét chỉ để đến tham quan một ngọn thác mà tâm lý chung của khách du lịch là muốn kết hợp tham quan nhiều điểm khác nhau trong một chương trình du lịch. 

Thứ hai, là khí hậu ở Nghệ An tương đối khắc nghiệt nên đã ảnh hưởng đến tính thời vụ du lịch, hạn chế đến khả năng thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch... 

P.V:Vậy Nghệ An có kế hoạch gì để đổi mới cách làm, đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường:Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp; vì vậy, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân cùng vào cuộc, cùng làm du lịch.

Trước mắt, tỉnh đang tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp đối với du lịch tỉnh nhà. Ngày 6/1/2017, Sở Du lịch Nghệ An đã chính thức được thành lập, tách ra từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũ. Chủ trương này thể hiện sự quyết tâm và quan tâm của tỉnh đến phát triển du lịch, với mong muốn ngành công nghiệp không khói ở Nghệ An sẽ phát triển mạnh hơn, bài bản hơn, xứng tầm với những tiềm năng vốn có. 

Thời gian tới, Nghệ An dự kiến sẽ có 9 nhiệm vụ chính trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm: (1) tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết 08; (2) đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (3) cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; (4) hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; (5) đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; (6) tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; (7) tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; (8) phát triển nguồn nhân lực; (9) tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước. 

Nghệ An tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội. Ảnh: C.T.V

Song song với việc triển khai chương trình hành động, tỉnh cũng đã đề nghị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV hỗ trợ kinh phí để xây dựng Quy hoạch du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung huy động nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng đô thị thành phố Vinh, các tuyến quốc lộ, cao tốc qua Nghệ An, hạ tầng cửa khẩu và đường bộ kết nối với nước bạn Lào, sân bay, nhà ga, bến cảng, hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch của tỉnh và với các địa phương khác trong vùng, đảm bảo gắn kết du lịch Nghệ An với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ và du lịch cả nước, quốc tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Từng bước xã hội hóa đầu tư tại các khu du lịch, các di tích lịch sử, làng nghề, có chính sách huy động các nguồn vốn từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước và đặc biệt là thu hút sự tham gia, nâng cao vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với phát triển du lịch. 

Phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới và biển đảo.

Không phát triển du lịch bằng mọi giá, vì lợi ích kinh tế trước mắt mà không chú ý đến gìn giữ bảo vệ môi trường, tài nguyên, di sản.

Bãi tắm Cửa Lò. Ảnh: P.V

P.V:Đồng chí có thể cho biết về những điểm nhấn của du lịch Nghệ An trong năm 2017 này?

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Một trong những dự án du lịch trọng điểm của tỉnh năm 2017 là khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Cửa Hội. Đây cũng là dự án nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên của Vingroup tại khu vực Bắc Trung bộ. Dự án khai trương đúng vào dịp 30/4 càng có ý nghĩa hơn như một sự khởi đầu đáng mong chờ cho mùa du lịch biển hè 2017.

Sự hiện diện của dự án này được tỉnh hy vọng sẽ thổi làn gió mới vào ngành Du lịch tỉnh nhà nói chung, du lịch biển Cửa Lò nói riêng. Nếu như trước đây Cửa Lò chỉ hoạt động mạnh về mùa hè, thì tới đây, du lịch biển Cửa Lò có thể kết nối với các điểm du lịch khác trong tỉnh để kéo dài thời gian khai thác quanh năm. 

Vừa qua, hơn 10 đơn vị lữ hành thuộc Câu lạc bộ du lịch Unesco Hà Nội đã có chuyến khảo sát các tuyến, điểm du lịch Nghệ An và đã manh nha ý tưởng về một tour du lịch 5 ngày 4 đêm kết nối các điểm: Hà Nội - đường Hồ Chí Minh - đảo chè Thanh Chương - Cửa Lò.

Nhiều điểm du lịch mới khác như thác Khe Kèm, du thuyền sông Giăng và du lịch cộng đồng bản Nưa, bản Khe Rạn (Con Cuông); làng nghề nước mắm (Cửa Hội); khu du lịch sinh thái Safari Diễn Lâm (Diễn Châu)… cũng được các công ty lữ hành đánh giá cao và lên kế hoạch kết nối vào mạng lưới tour, tuyến chung của cả nước.

Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng năm 2017 này du lịch Nghệ An sẽ có bước chuyển mình ấn tượng, ghi tên vào bản đồ du lịch Việt Nam. 

P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc phỏng vấn! 

P.V 

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN