Anh Vi Văn Canh, bản Nam Đình xã Chi Khê (Con Cuông) vừa hoàn thành ngôi nhà sàn gỗ. Anh được những cao niên trong cộng đồng góp ý về tầm quan trọng của căn bếp, đặc biệt là cách chọn ngày giờ. Trong ngày lợp nhà, anh giao cho chị vợ làm người nhóm bếp.
Theo quan niệm của cộng đồng người Thái nơi đây việc nhóm bếp là nhiệm vụ của phụ nữ trong nhà hoặc bên họ ngoại. Trước đó khi đắp khuôn bếp, người ta đã chọn hai thanh củi lớn tượng trưng cho họ nội và họ ngoại, còn những thanh nhỏ hơn gác lên hai thanh lớn là vợ chồng, con cái sum vầy.
Người ta cũng chuẩn bị sẵn một bát muối và một bát gạo đặt ở hai góc bếp. Theo các giải thích của những bậc cao niên trong cộng đồng thì bát gạo để gửi gắm sự sung túc, ấm no, còn bát muối là niềm mong mỏi về một tương lai tươi sáng cho gia chủ cũng như các thành viên trong gia đình.
Sau khi nhóm bếp, lửa sẽ được duy trì luôn cháy đỏ suốt ngày hôm đó cho đến sáng hôm sau. Cộng đồng này quan niệm rằng lửa luôn cháy đỏ sẽ là điềm lành đối với gia đình. “Ngày dựng bếp cũng được coi là ngày đầu tiên sinh sống của một đôi vợ chồng ở ngôi nhà mới.” – Một cao niên ở xã Chi Khê (Con Cuông) chia sẻ.
Người Thái tại nhiều xã ở huyện Quỳ Hợp cũng có chung quan niệm. Ngoài ra lửa trong bếp cũng được duy trì trong suốt ngày 30 tháng chạp đến hết mồng 2 tết. Những ngày này nếu để tắt lửa mà đi xin nhờ hàng xóm sẽ chẳng ai cho. Quan niệm này tồn tại trong thời mà việc giữ lửa còn rất khó khăn.
Dù ngày nay đã thuận lợi hơn nhưng việc duy trì cho bếp lửa trong nhà cháy suốt 3 ngày tết vẫn được nhiều cộng đồng người Thái xứ Nghệ gìn giữ. Không chỉ vậy việc giữ lửa đã ăn sâu vào tiềm thức cũng như một số quan niệm tâm linh của cộng đồng người Thái.
Người Thái xứ Nghệ không quan niệm về ông Công, ông Táo như người Kinh nhưng “chủ bếp” là một trong những thần linh được thờ phụng. Theo quan niệm của cộng đồng người Thái ở huyện Con Cuông thì thần cai quản bếp gồm 1 ông và một bà. Họ được cho là “chủ bếp”. Khi xây dựng nhà, người ta thường có một lễ cúng cho “chủ bếp”. Ngoài ra hàng năm vào mồng một tết thì lặp lại lễ cúng này.
Theo những người am hiểu về tục lệ của cộng đồng người Thái thì lễ cúng thường được thực hiện ngay cạnh bếp lửa vào ngày một Một tết. Có nơi là tối 30 tết. Mâm cúng có một con gà và một số đồ cúng khác như xôi, gà, một nắm đũa, một đĩa trầu, cau. Ngoài ra còn có 1 hoặc 2 chén rượu và một chén nước chè.
Ông Lê Quốc Hoàng, một người sưu tầm văn hóa Thái ở huyện Con Cuông cho hay: Đối với người Thái ở xã Yên Khê người ta không cúng nước lạnh hoặc nước đun sôi vì cho rằng nước lọc thường là thứ dập lửa nên kiêng dùng. Mâm cúng cũng không có hoa quả. Người ta cũng không têm trầu, thay vào đó, thầy mo phết một ít vôi lên lá trầu. Cau cũng để cả quả.
Sau khi hết 3 ngày tết thì hãy ở lại gìn giữ cho bếp lửa của gia đình luôn cháy đỏ, không gặp phải hỏa hoạn, tai ương.