Theo báo cáo của Sở Công Thương, thời điểm năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 280 thôn, bản chưa có điện thuộc 10 huyện, thị xã.
Tính đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện các quyết định của Trung ương và tỉnh liên quan đến đưa điện về địa bàn miền núi, biên giới, toàn tỉnh đã đầu tư cấp điện cho 86 thôn, bản.
Như vậy, toàn tỉnh hiện vẫn đang còn 194 thôn, bản chưa có điện (chưa tính dự án đưa điện ra đảo Mắt).
Cũng theo Sở Công Thương, trong tổng số 194 thôn, bản chưa có điện thì có 32 thôn, bản của 12 xã, thuộc 4 huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong đang thi công kéo điện, dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện trước ngày 31/12/2020.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Công Thương, tại cuộc làm việc, vấn đề được các thành viên quan tâm nhiều nhất là đến bao giờ người dân các thôn, bản chưa có điện sẽ có điện sinh hoạt?
Bên cạnh đó, một số thành viên cũng đặt ra những vấn đề liên quan đến an toàn lưới điện và chất lượng điện năng; việc thực hiện công tác quản lý giá điện và chính sách giảm giá điện cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng dịch Covid-19…
Giải trình các vấn đề mà Ban Dân tộc HĐND tỉnh đặt ra, ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, sở đã tích cực tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với ngành Điện lực triển khai dự án đầu tư cấp điện sát từng năm theo lộ trình đầu tư, phấn đấu dự kiến đến hết năm 2022 sẽ hoàn thành việc cấp điện cho tất cả các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong năm 2021 sẽ triển khai và hoàn thành cấp điện cho 70 thôn, bản; số còn lại được tập trung vào năm 2022, trong đó, có 24 thôn, bản do phức tạp về địa hình (có thêm cả đảo Mắt) sẽ thực hiện dự án cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo.
Riêng về chất lượng điện ở các thôn, bản sau khi được kéo và cấp điện, Phó Giám đốc Trần Thanh Hải cũng thừa nhận do địa hình phức tạp, hệ thống cây cối nhiều và tuyến đường dây kéo, một số địa phương đường dây độc đạo như Quế Phong, Quỳ Châu, cho nên vẫn ảnh hưởng đến sự ổn định và chất lượng nguồn điện.
Kết luận tại cuộc làm việc, thay mặt đoàn công tác, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Vùng địa bàn miền núi, dân tộc, nhất là các vùng sâu, vùng xa được coi là vùng “trũng” trong phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, trong 4 yếu tố quan trọng về hạ tầng cơ sở: điện, đường, trường, trạm thì điện vẫn là yếu tố được ưu tiên số 1. Điện không chỉ phục vụ sinh hoạt cho người dân mà điều quan trọng là phục vụ nhu cầu thông tin, phát triển sản xuất, kinh doanh cho người dân.
Từ sự phân tích đó, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị Sở Công Thương tiếp tục tham mưu tích cực cho UBND tỉnh, tranh thủ và lồng ghép các nguồn vốn để đẩy nhanh việc triển khai các dự án đưa điện về các thôn, bản chưa có điện.
Song song với đó là quan tâm quản lý, đảm bảo an toàn lưới điện và chất lượng điện năng cũng như giải quyết đầy đủ các chính sách về điện cho người dân, kể cả những vấn đề phát sinh…