(Baonghean) - Bây giờ, chuyện du học không đến nỗi hiếm như trước, bởi du học cũng có ba bảy đường: Du học theo chương trình, dự án của Nhà nước; Du học theo chỉ tiêu đào tạo phân bổ cho các nhà trường; Du học theo chương trình học bổng mà bản thân người du học tự tìm kiếm được thông qua tuyển trạch; Du học theo nhu cầu do cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp gửi đi; Du học tự túc; Du học vừa học vừa làm; Du học... tại chỗ;... Vì vậy, thời nay chuyện du học không còn đến mức khó khăn như trước, vấn đề là du học theo hình thức nào, khả năng của bản thân và gia đình du học sinh đáp ứng được loại hình nào mà thôi. Vấn đề quan trọng mà mọi người và xã hội quan tâm, là bản thân du học sinh đó rèn luyện, học tập như thế nào, và sự cống hiến, đóng góp sau khi du học ra sao?
Sẽ rất tốt nếu sau khi thực hiện xong chương trình du học, du học sinh được nhà trường hoặc các tổ chức, doanh nghiệp ở nước sở tại mời ở lại làm việc, hoặc có thể tự lập nghiệp được ở xứ người. Bây giờ là thời toàn cầu hóa, làm việc ở nơi nào có điều kiện tốt hơn, năng động hơn, phát huy tốt hơn năng lực, sở trường của bản thân thì hiệu quả và năng suất lao động cũng sẽ cao hơn, theo đó, thu nhập và nhu cầu phát triển bản thân được thực hiện tốt hơn. Và ở đâu cũng vậy, nếu bản thân có đóng góp tốt đối với xã hội, là người có ích, cần thiết cho cộng đồng nơi mình công tác, thì có nghĩa là mình đã đóng góp, xây dựng cho quê hương, đất nước, thậm chí đó là cơ hội tốt để góp phần vào việc tạo dựng hình ảnh, uy tín, sự tin cậy về con người và đất nước Việt Nam, và là người yêu nước. Người Việt Nam, dù học tập và làm việc ở bất cứ nơi đâu, nếu luôn cố gắng vươn lên với tinh thần tự tôn dân tộc, tiếp thu tri thức, tinh hoa của nhân loại, làm cho bản thân mình trở nên giỏi giang hơn đều đáng quý, đáng trân trọng!
Cùng với đó, sẽ là tuyệt vời nếu sau thời gian học tập, nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn ở xứ người, các du học sinh đem tri thức khoa học, trí tuệ, bài học kinh nghiêm thực tiễn của xứ người về, trực tiếp chia sẻ cho các tổ chức, cá nhân ở quê nhà nhằm góp phần tham gia vào quá trình cải thiện môi trường làm việc, tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng về nội dung, phương pháp lao động, học tập, quản lý và điều hành xã hội; góp phần cải thiện môi trường sống, môi trường đầu tư, hợp tác... Nâng cao hàm lượng chất xám đối với toàn bộ các hoạt động làm ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
Dĩ nhiên, để có được như vậy, bản thân du học sinh cũng phải chấp nhận không ít những hy sinh, thiệt thòi khó có thể tránh khỏi. Bởi điều kiện, môi trường làm việc... không phải nơi nào cũng giống nhau và như nhau, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, vừa mới thoát khỏi tình trạng nước nghèo. Với tri thức, kinh nghiệm, sự trải nghiệm rộng dài hơn, du học sinh hoặc kiều bào về nước cần thấu hiểu và chia sẻ với tình hình đất nước hiện nay, từ đó chung tay xây dựng đất nước với tinh thần làm chủ, với tâm thế của người trong cuộc để thực sự trở nên cần thiết và hữu ích cho sự phát triển và hội nhập của quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế đáng tiếc rằng, có không ít du học sinh có thể đã có quá trình tiếp thu tri thức khoa học lâu dài, có bề dày kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở nước ngoài, nhưng do tư duy lệch lạc, nhận thức phiến diện, thiếu biện chứng, và quan trọng là thiếu tinh thần xây dựng, thiếu thái độ cảm thông hoặc một thiện chí cần thiết... nên đã không những không có đóng góp tích cực, cần thiết cho các tổ chức và cá nhân ở quê nhà, mà trái lại còn có thái độ dèm pha, công kích, phê phán, khoét sâu vào những thiếu sót, hạn chế, tồn tại, khuyết điểm diễn ra tại các tổ chức, cơ sở, đơn vị, địa bàn, từ đó quy kết thành bản chất của tình hình đất nước hiện thời.
Thay vì sử dụng tri thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn để lý giải nguyên nhân xảy ra tồn tại, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, từ đó hiến kế, đóng góp các biện pháp, giải pháp khắc phục, hạn chế tiêu cực... không ít người đã bóp méo xuyên tạc sự thật, có những so sánh, liên hệ cực đoan, thậm chí còn lập lờ đánh tráo khái niệm bằng những kiến thức, tri thức tưởng như có tầm nhìn dài rộng, nhưng thực chất lại là những so sánh khập khiểng, thiếu cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận, kích động và nhân lên sự phức tạp đối với các vụ việc nổi cộm, các vấn đề bức xúc ở trong nước. Một số người sau khi được học tập, đào tạo ở nước ngoài về, được tin tưởng giao cho một số vị trí có ảnh hưởng, đã không vận dụng và phát huy bài học phát triển của xứ người mà còn làm cho tình hình trở nên phức tạp, xấu đi.
Chẳng hạn, họ lợi dụng sự hạn chế về kiến thức, nhận thức, tư duy, học vấn, văn hóa, sự yếu kém bản lĩnh của một bộ phận người dân để gieo trỉa những cái nhìn, quan điểm lệch lạc, thể hiện tư tưởng hoài nghi, bi quan, chống đối. Xa hơn thế, thay vì xây dựng một tinh thần phản biện xã hội chân chính, mang tính xây dựng, không ít người lại thường xuyên tranh thủ, lợi dụng mọi diễn đàn để tập hợp, cổ xúy những thành phần bất mãn, tiêu cực, điên cuồng chống đối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, đi ngược lại với con đường xây dựng và phát triển đất nước.
Nếu du học mà chỉ du nạp những tư tưởng cực đoan, phản động, thì chẳng khác nào nối giáo cho giặc, “rước voi về giày mả tổ”. Đây là điều đất nước, nhân dân không bao giờ chấp nhận, lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ!
Du học sinh và trách nhiệm với quê hương
Chí Nhân