PGS.TS Huỳnh Đăng Hy, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã chia sẻ ý kiến khi hay tin về việc Việt Nam dự kiến xây tháp truyền hình cao nhất thế giới.

TIN LIÊN QUAN

Theo GS Hy, có lẽ về chiều cao của tháp không nên đặt ra ở đây. Bởi vì hôm nay Việt Nam cao nhất thì ngày mai sẽ có nước cao hơn.

Trong khi đó điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được. Tình hình chung còn đang rất khó khăn nên cũng cần cân nhắc khi đầu tư dự án này.

Cần cân nhắc kỹ khi quyết định đầu tư dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới

"Theo như lý giải của VTV, dự án sẽ gồm hạng mục tháp truyền hình và các hạng mục khác phục vụ kinh doanh thương mại, du lịch, giải trí... Tháp truyền hình Việt Nam dự kiến cao 636m. Trong khi đó ở Hà Nội đã có rất nhiều điểm cao để ngắm thành phố như tòa nhà Lotte hay Keangnam.

Ở đây đã có hẳn đài quan sát như vậy rất có thể hiệu quả kinh tế của tháp sẽ không như mong muốn khi lượng khách đến không nhiều vì đây cũng không phải là dịch vụ mới lạ", GS Hy lo ngại.

Dự kiến, tháp truyền hình Việt Nam sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021. VTV cũng khẳng định về hiệu quả đầu tư, và nói rằng khả năng thu hồi vốn trong 15 năm với mức đầu tư ban đầu là hơn 600 triệu USD .

"Đây là dự án có quy mô tầm cỡ quốc tế, có ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nên tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ hơn. Không chỉ có vậy liên quan đến vấn đề sức khỏe con người, việc xây dựng một cột phát sóng tín hiệu truyền hình cao như thế cần có những đánh giá đầy đủ.

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh sự ảnh hưởng của cột thu phát sóng tới sức khỏe con người. Do đó cần hết sức cân nhắc", GS Hy nêu quan điểm.

Một vị tiến sĩ từng làm lãnh đạo ngành quy hoạch kiến trúc ở Hà Nội cũng tỏ ra khá bất ngờ với dự án tháp truyền hình Việt Nam được cho là cao nhất thế giới.

Ông cho biết, khi còn đương nhiệm ông cũng từng biết có dự án muốn triển khai xây tháp nhưng vì nhiều lý do mà dự án không thực hiện được, trong đó có cả lý do kinh tế.

"Từ đó đến nay diện mạo của Thủ đô đã thay đổi nhiều nhưng nền kinh tế của chúng ta lại đáng lo ngại hơn lúc nào hết. Vì vậy nếu chỉ cố để xây cho đạt cái 'nhất' thì tôi nghĩ là không nên. Chủ đầu tư và các cơ quan cấp trên cần cân nhắc hơn", vị này nói.

Trên thực tế, hiện nay 63 tỉnh thành đều có tháp truyền hình riêng. Chưa có nước nào trên thế giới mà mỗi tỉnh nhỏ đều có một đài truyền hình (hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cách nhau có 20km cũng có tháp truyền hình, phát thanh riêng).

Như vậy việc chuyển tiếp VTV ở các địa phương gần như chỉ tập trung phần thời sự, còn lại là chưa hoạt động hết công suất.

Thêm nữa, phải xem đường trục cáp quang quân đội và VNTP có dung lượng rất lớn đã được sử dụng tối ưu chưa?

"Nếu thực sự lý do xây tháp chỉ để thuận tiện cho việc phát sóng thì nên điều tra xem có bao nhiêu phần trăm người xem truyền hình đang dùng truyền hình cáp và việc tiếp sóng hiện nay ra sao", vị này nói.

Từ nhu cầu thực cũng như vốn phải bỏ ra, cộng với 14ha đất tại vị trí hồ Tây là câu chuyện lớn. Theo đó một lần nữa vị này cho rằng, những người ra quyết định hãy nhìn nhận nhiều chiều để có phương án hiệu quả nhất.

Theo Báo Đất Việt