“Tiến độ rùa bò”
Khu B - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là dự án trọng điểm về thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An. Dự án này có tổng mức đầu tư là 1.300 tỷ đồng, được khởi động từ năm 2013. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, trong đó vốn Nhà nước chiếm 40%. Số vốn này do Khu A - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An làm đại diện, góp vốn bằng chi phí bồi thường GPMB, lợi thế vị trí địa lý, thương hiệu của bệnh viện... Dự án này được kỳ vọng sẽ là nơi khám, chữa bệnh chất lượng cao hàng đầu không chỉ ở Nghệ An mà còn của khu vực Bắc Trung Bộ.
Năm 2015, Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được thành lập, với số vốn điều lệ là 260 tỷ đồng. Công ty này hiện do ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An làm Phó Chủ tịch HĐQT.
Trong cổ phần của công ty, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được xác định góp 104 tỷ đồng (tương đương 40% vốn điều lệ), Công ty Coctec HealthCare góp 132,6 tỷ đồng, Cotec Group góp 23,4 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn còn lại (hơn 1.000 tỷ đồng), Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An phải vay ngân hàng.
Dự án bệnh viện nghìn tỷ ở Nghệ An chậm tiến độ
Dự án này có quy mô 600 giường bệnh, tổng diện tích sàn là gần 55.000m2, nằm ngay cạnh Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Theo đề án được phê duyệt lần đầu, tiến độ thực hiện là “đến quý I/2018 sẽ hoàn thiện kiến trúc và lắp đặt thiết bị. Quý II/2018 sẽ vận hành chính thức, đưa dự án vào hoạt động”.
Đến tháng 5/2018, dự án phải gia hạn tiến độ với mục tiêu đến “quý IV/2018 sẽ hoàn thiện kiến trúc, lắp đặt thiết bị và chính thức vận hành vào quý I/2019”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn còn ngổn ngang.
Lý giải về việc này, ông Đàm Quang Trực - Tổng giám đốc Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho rằng, do khó khăn chung trong vấn đề hoàn thiện pháp lý dự án nên dự án bị ngân hàng ngưng giải ngân vốn đến 4 lần, dẫn tới việc tiến độ thi công công trình bị chậm so với kế hoạch. “Dự án chậm tiến độ so với kế hoạch được duyệt, thời gian thi công kéo dài đã dẫn tới các chi phí về lãi vay ngân hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao. Điều này làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả, gây tổn hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân, lợi nhuận của công ty cũng như các cổ đông”, ông Trực thừa nhận.
Sau 3 năm thi công ỳ ạch, đến trung tuần tháng 8/2019, phía doanh nghiệp bất ngờ dừng dự án. Đến ngày 6/9, dự án mới lại được tái khởi động. Lần này, chủ đầu tư cam kết sẽ khánh thành kỹ thuật bệnh viện vào ngày 26/2/2020. Tuy nhiên, thời hạn này bị đại diện nhiều sở, ngành bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi.
“Chúng tôi rất lo lắng cho chủ đầu tư. Bây giờ đến ngày khánh thành chưa đầy 6 tháng, nếu nhìn vào khối công việc hiện tại thì rất khó để hoàn thành. Chưa kể theo kế hoạch thì phải có 180 nhân công làm ở công trường, xuyên suốt thời gian từ nay đến đó mới xong. Nhưng hiện tại trên công trường chỉ có khoảng 1/3 số nhân công, chưa kể từ nay đến đó có cả nghỉ Tết Nguyên đán lẫn Tết Dương lịch...”, ông Chu Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Mão - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, cho hay tỉnh Nghệ An rất kỳ vọng vào dự án này. “Khi thu hút dự án vào kỳ vọng bao nhiêu thì đến nay thất vọng bấy nhiêu. Với thời hạn mà chủ đầu tư đưa ra mới nhất thì không thể đạt được”, ông Mão nói.
Nói về nguyên nhân dừng dự án và tiến độ thi công chậm chạp, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho rằng, do dự án phải điều chỉnh quy hoạch, nên ngân hàng không cho vay vốn. Ông Hương cũng cho rằng, nếu người dân xã Nghi Phú không gửi hàng chục đơn kiện, dẫn đến việc phải mở lại đường Hồ Tông Thốc thì tiến độ không chậm như hiện nay và dự án không bị ngừng...
Về việc đặt ra thời hạn ngày 26/2/2020 sẽ khánh thành, mặc dù quá cấp bách, ông Hương cho rằng, do để làm dự án này công ty phải vay ngân hàng đến 1.033 tỷ đồng. Hiện nay mỗi tháng tốn gần 10 tỷ đồng tiền lãi. “Cứ kéo dài thêm tháng nào là tốn thêm tháng nấy, công ty trụ không nổi. Chúng tôi cam kết đến ngày đó sẽ xong”, ông Hương nói.
Nợ lương người lao động
Mặc dù tiến độ thi công chậm chạp, nhưng từ tháng 9/2017 đến tháng 10/2018, Công ty này đã tuyển hàng trăm người lao động. Trong đó có 44 bác sỹ, 170 điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh. Nhưng cuối năm 2018 đến nay, công ty này đã thực hiện không đầy đủ cam kết về thời hạn trả lương và chi trả chi phí bảo hiểm cho người lao động. Có thời điểm, công ty nợ đến 8 tháng tiền lương. Đến nay, vẫn còn nợ của người lao động 3 tháng tiền lương.
“Chúng tôi cũng đòi hỏi nhưng họ lần nào cũng nói do công ty khó khăn, xin khất”, anh L. T. A, người từng được nhận vào công ty này làm việc nói. Sau nhiều tháng chờ đợi bệnh viện hoàn thành không được, anh đã phải tự đi tìm việc mới ở một bệnh viện khác.
Do bị nợ lương, các bác sỹ do bệnh viện này tuyển sau đó đã nộp đơn xin nghỉ việc. Còn đối với các điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh thì bị công ty thanh lý toàn bộ.
Lý giải về việc này, phía công ty cho biết do “công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính và trong giai đoạn tái cấu trúc bộ máy”.
Chưa kể, các bác sỹ này khi ký hợp đồng với công ty còn bị giữ luôn bằng gốc. Mặc dù sau đó do dự án bị chậm chạp, không thể bố trí công việc đúng như cam kết nhưng phía công ty lại không chịu thanh lý hợp đồng, trả lại bằng gốc để người lao động đi xin việc tại bệnh viện khác. Mới đây, khi báo chí phản ánh, phía công ty mới mời người lao động lên để thanh lý đồng thời trả lại bằng gốc, mặc dù đang còn nợ họ nhiều tháng tiền lương.
Tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị chủ đầu tư làm việc với Sở Tài chính báo cáo rõ về các khoản đầu tư, do dự án này có đến 40% vốn Nhà nước. “Dù là vay ngân hàng thì tiền đó cũng là vốn Nhà nước, phải làm rõ số vốn đã thực hiện chưa? Thực hiện vào lúc nào? Đầu tư vào khoản nào...?”, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Mão đề nghị.