12h trưa 2/10, do tiên lượng xấu, không còn hy vọng cứu chữa, gia đình đã đưa sản phụ Bùi Thị Hoài Th. (26 tuổi, trú phường Lê Lợi, TP Vinh) về nhà. Trong khi con gái chưa tròn 1 ngày tuổi của chị Th. vẫn đang được chăm sóc tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong tình trạng bình thường. Đây cũng là đứa con đầu của chị Th.
Trước đó, khoảng 9h sáng 1/10, chị Th. được người nhà đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chờ sinh. Các bác sỹ xác định, chị mang thai 40 tuần tuổi, có dấu hiệu rỉ ối lúc nhập viện.

"Qua thăm khám thì các chỉ số của bệnh nhân bình thường, duy chỉ có thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ. Bệnh nhân sau đó được theo dõi tại Khoa Sản", bác sỹ Hoàng Ngọc Anh - Trưởng Khoa Sản kể. 

bna_khoasan8772204_2102019.jpgKhoa Sản - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trưa 2/10. Ảnh: Tiến Hùng

16h chiều cùng ngày, các bác sỹ ghi nhận bệnh nhân này cơn co tử cung thưa, cổ tử cung lọt 2 ngón tay, ra ít nước ối. Sau khi giải thích, gia đình đồng ý ký cam kết truyền tăng co tử cung để rút ngắn chuyển dạ.

Đến 20h50, chị Th. sinh thường một bé gái nặng 3 kg. Tuy nhiên, theo các bác sỹ, chỉ 30 phút sau sinh, sản phụ này bắt đầu có tình trạng ra máu âm đạo đỏ loãng, tử cung co kém. Ngoài ra, sản phụ cũng có dấu hiệu kích thích, đau ngực, tím môi và 2 tay, chảy máu mũi.

Các bác sỹ đã dùng thuốc tăng co bóp tử cung, cầm máu nhưng không có hiệu quả.

Bệnh nhân được đưa xuống Khoa Gây mê để kiểm soát buồng trứng, tử cung nhưng vẫn không có chuyển biến tích cực. Gần nửa đêm, Bệnh viện quyết định mổ ổ bụng, cầm máu bằng phẫu thuật, thắt động mạch tử cung 2 bên, đồng thời khâu ép tử cung để cầm máu.

Cũng theo các bác sỹ trong kíp trực, sau phẫu thuật, máu âm đạo của bệnh nhân còn ra ít. Nhưng đến hơn 3h sáng ngày 2/10, sản phụ bắt đầu chuyển biến xấu, có hiện tượng ngừng tuần hoàn. Lúc này, các bác sỹ phải tiến hành ép tim.

"Lúc đó bác sỹ trực khám thì ghi nhận bệnh nhân ổ bụng mềm, không chướng. Máu âm đạo ra ít. Kết quả siêu âm cho thấy, trong ổ bụng, buồng tử cung không có dịch", bác sỹ Hoàng Ngọc Anh cho biết thêm. 

Sau nhiều giờ cứu chữa, đến trưa 2/10, nhận định sản phụ đã hết hy vọng cứu chữa, Bệnh viện đã cho phép gia đình mang sản phụ về theo nguyện vọng.

Ông Trần Tất Thắng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, sau vụ việc, các bác sỹ cũng đã họp, đánh giá lại quy trình làm việc đồng thời báo cáo lên Sở Y tế. 

Qua đánh giá bước đầu, các bác sỹ cho rằng sản phụ này có dấu hiệu rối loạn đông máu rất nặng. Nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý tắc mạch ối sau sinh.

Cũng trong đầu chiều nay (2/10), PGS-TS Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, Bệnh viện đã triệu tập cuộc họp Hội đồng chuyên môn, các y, bác sỹ của kíp trực để đánh giá, phân tích cụ thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng của sản phụ Bùi Thị Hoài Th. 
Tắc mạch ối là gì?
Tắc mạch ối là hiện tượng nước ối, các tế bào của thai nhi, lông tơ, tóc hoặc các mảnh mô khác lọt vào trong hệ tuần hoàn của người mẹ, dẫn đến suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính ở phụ nữ mang thai, thậm chí, hiện tượng tắc mạch ối còn gây ra nguy cơ tử vong cho mẹ bầu nữa.
Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp sau khi đẻ, sau khi mổ lấy thai.
Do biến chứng hay xảy ra đột ngột và tiến triển rất nhanh nên hầu hết người bệnh đều tử vong. Trong trường hợp thai nhi chưa xổ thì hầu hết không thể cứu kịp, bác sĩ có thể mổ ngay để cứu thai nhi nhưng tính may rủi rất lớn.