(Baonghean.vn) - Nhìn vào danh sách do VFF và HLV Park Hang Seo vừa công bố, rất nhiều người hâm mộ gọi vui là “đội tuyển HAGL và những người bạn”.
Kể từ khi bóng đá nước nhà chính thức tham dự trở lại các giải đấu quốc tế bắt đầu từ SEA Games 1991, chúng ta có thể chia đội tuyển Việt Nam qua các đoạn như sau: 1991 - 2002, nòng cốt là những cầu thủ Thể Công: 2002 - 2015, các cầu thủ đến từ SLNA chiếm số lượng lớn: 2015 - nay, quân số HAGL áp đảo hoàn toàn so với những CLB khác.
Như vậy, trong 26 năm qua, kết cấu của đội tuyển Việt Nam dựa trên nền tảng của một CLB nào đó. Đây là trường hợp phổ biến không chỉ với bóng đá nước ta mà trên toàn thế giới.
Chẳng hạn như đội tuyển Tây Ban Nha vô địch Euro 2008, World Cup 2010, Euro 2012 là nòng cốt của CLB Barcelona với Xavi, Iniesta, Puyol, Valdes, Busquets, Alba, Villa, Pedro, Fabregas...
Mới đây nhất là nhà vô địch World Cup 2014 - đội tuyển Đức, có bộ khung là những gương mặt đến từ đội bóng hùng mạnh Bayern Munich, gồm: Philipp Lahm, Nuer, Boateng, Schweinsteiger, Gotze, Mueller...
Hoặc đội tuyển Italia trong suốt hàng mấy thập kỷ qua thường lấy CLB Juventus làm nòng cốt. Chức vô địch World Cup 2006 của Azzurri có công rất lớn của Buffon, Cannavaro, Camoranesi, Del Piero, Zambrotta...
Nhìn vào cách xây dựng đội tuyển của Tây Ban Nha, Đức, Italia và Việt Nam đều có những điểm tương đồng nhất định. Khác biệt quan trọng nhất chính là các đội tuyển kia luôn lấy số lượng lớn nhân lực từ CLB mạnh nhất của quốc gia, trong khi Việt Nam lại không làm như vậy.
Những CLB làm nòng cốt của đội tuyển Việt Nam là Thể Công, SLNA, HAGL không phải là đội bóng mạnh nhất ở giải vô địch quốc gia tại giai đoạn đó. Cụ thể: từ 1991 - 2002, Thể Công chỉ 1 lần giành chức vô địch quốc gia vào năm 1998; từ 2002 - 2015, SLNA cũng chỉ 1 lần lên ngôi tại V.League 2011; từ 2015 - nay, HAGL chỉ quẩn quanh ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Chính vì vậy, những lùm xùm ở đội tuyển như chuyện “quân anh, quân tôi”, chuyện chia bè kéo cánh... xẩy ra thường xuyên. Ví dụ điển hình như chuyện tiền vệ Nguyễn Minh Hiếu, tiền đạo Nguyễn Tuấn Thành (CAHN) bị nhóm cầu thủ Thể Công cô lập ở SEA Games 1997, Tiger Cup 1998... từng được giới mộ điệu nước nhà xôn xao trong một thời gian dài.
Đây là mặt trái của việc xây dựng đội tuyển dựa trên nòng cốt của một CLB. Cách xây dựng này mang lại những hệ lụy nhất định như thiếu tính cạnh tranh (nhiều cầu thủ xứng đáng không được triệu tập, ra sân...), xung đột, mâu thuẫn nội bộ. Cho nên, thành tích của đội tuyển không được như ý.
Danh hiệu duy nhất của đội tuyển Việt Nam là AFF Cup 2008 cũng là ví dụ điển hình. Dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto, đội tuyển Việt Nam là tập hợp những gương mặt xuất sắc nhất của bóng đá nước nhà đến từ nhiều CLB đang chơi ở V.League.
Thành phần đội tuyển không dựa trên nòng cốt của bất kỳ một CLB nào cả, quân Long An, quân SLNA, quân Thể Công, quân B.Bình Dương... đều tương đương nhau.
Thời HLV Calisto, đội tuyển Việt Nam hiếm khi bỏ sót nhân tài, những cầu thủ đang có phong độ cao. Ngôi vương AFF Cup 2008 là thành quả có được từ sự sáng suốt, công bằng của vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha.
Rất tiếc, cách làm của HLV Calisto không được những người kế thừa ở đội tuyển Việt Nam phát huy một cách nghiêm túc. Hệ quả, đội tuyển quốc gia trở lại với mô hình quen thuộc “CLB+”.
Tân HLV Park Sang Heo tiếp tục đi theo lối mòn cũ bằng việc triệu tập ồ ạt cầu thủ của HAGL và phớt lờ những gương mặt xuất sắc, đang có phong độ cao ở các CLB khác.
Những cầu thủ như Phi Sơn, Ngọc Hải, Nguyên Mạnh (SLNA), Văn Thắng, Văn Bình (FLC Thanh Hóa), Văn Dũng (Hà Nội), Văn Triền (Sài Gòn)... bị bỏ quên một cách vô cùng đáng tiếc và đáng ngờ.
Vì vậy, ngay khi bản danh sách 23 tuyển thủ được VFF và HLV Park Hang Seo công bố đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của giới chuyên môn lẫn người hâm mộ.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: Có hay không tính khách quan, sự công bằng của VFF, HLV Park Hang Seo và Hội đồng HLV QG trong khâu tuyển chọn cầu thủ? Có hay không âm mưu “HAGL hóa ở đội tuyển Việt Nam”? Đây là đội tuyển quốc gia hay chỉ là một câu lạc bộ mở rộng?
Thanh Hưng