1. Việt Nam vào chung kết U23 Châu Á. Từ chỗ bị ví như đội lót đường, thầy trò Park Hang-seo viết nên câu chuyện cổ tích ở giải đấu tại Thường Châu, Trung Quốc.

161527-1.jpgCác cầu thủ Việt Nam mừng bàn gỡ hòa 1-1 của Quang Hải trong trận chung kết với Uzbekistan. Ảnh: OS

Quá trình chuẩn bị của Việt Nam cho giải đấu vào tháng Một không nhận được nhiều sự chú ý. Trong lặng lẽ, ông Park cùng đội ngũ xây dựng nền tảng cơ bản về thể lực, sự đoàn kết và tính tổ chức trong lối chơi phòng ngự phản công đặc trưng với sơ đồ ba trung vệ vốn mới mẻ với bóng đá Việt Nam. 

Sau khi thua ngược Hàn Quốc trận ra quân, Việt Nam gây sốc bằng chiến thắng 1-0 trước Australia rồi hòa Syria 0-0 để vượt qua vòng bảng. Với tinh thần quật cường, Việt Nam lần lượt kéo Iraq (tứ kết) và Qatar (bán kết) qua hiệp phụ rồi kết liễu bằng loạt sút luân lưu. Trong trận chung kết dưới mưa tuyết gặp Uzbekistan, đội bóng của ông Park thất bại 1-2 bởi bàn thua ở phút cuối cùng của hiệp phụ thứ hai. Trận đó, Quang Hải ghi bàn thắng đẹp nhất giải, được ví như "Cầu vồng tuyết". Cầu thủ cao 1m66 cũng là niềm cảm hứng lớn nhất của Việt Nam tại giải đấu với năm bàn thắng.

Chiến tích của U23 Việt Nam gây tiếng vang toàn châu Á, và làm nức lòng người hâm mộ nước nhà. Hàng trăm nghìn người đổ ra các đường phố Hà Nội để chào đón khi đội tuyển trở về. Cuộc diễu hành trên xe buýt mui trần kéo dài 6 tiếng để lại những ấn tượng chưa từng có trong lịch sử thể thao nước nhà.

Cũng với nòng cốt này, Việt Nam lại làm nên dấu ấn tại Asiad (tháng 8, Indonesia). Sau khi thắng cả ba đối thủ tại vòng bảng, trong đó có Nhật Bản, thầy trò ông Park lần lượt hạ Bahrain và Syria cùng tỷ số 1-0. Ở bán kết, đội chỉ chịu thua Hàn Quốc.

Trong trận tranh HC đồng, Việt Nam lấn lướt UAE, nhưng kém may mắn trong loạt luân lưu và đứng thứ tư chung cuộc. Dù không thể giành huy chương, Việt Nam vẫn có thể tự hào khi lần đầu vào đến bán kết. Đây cũng là đội tuyển duy nhất của Đông Nam Á đi qua vòng 1/8 tại giải. Trên các phương tiện truyền thông, nhiều CĐV trong khu vực gọi họ là "niềm tự hào chung của khu vực".

2. Olympic mùa đông tại Hàn Quốc. Biểu tượng gắn kết hai miền Triều Tiên và bê bối doping của Nga.

Hwang Chung Gum (nam, VĐV của Triều Tiên) và Won Yun-jong (nữ, Hàn Quốc) giương cao lá cờ chung trong lễ khai mạc.

Bất chấp căng thẳng trong quan hệ hai nước, Triều Tiên đã cử VĐV và một đội cổ vũ đến Pyeongchang, trong sự kiện diễn ra từ ngày 9/2 đến 25/2. Hình ảnh VĐV Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành dưới một lá cờ thống nhất ở lễ khai mạc trở thành biểu tượng về sự hàn gắn giữa hai quốc gia tại bán đảo Triều Tiên. Lần gần nhất cảnh tượng này xuất hiện là Thế vận hội mùa đông năm 2006. Hai nước sau đó còn liên minh tạo thành một đội tuyển khúc côn cầu nữ. 

Kỳ đại hội này còn được nhớ đến bởi rắc rối doping của Nga. Theo quyết định của Ủy ban Olympic thế giới (IOC), hàng loạt bộ môn cũng như VĐV của Nga không được tham dự vì liên quan đến các chương trình ngầm, cho phép sử dụng doping từ chính phủ nhiều năm trước. Những VĐV có lý lịch trong sạch và chấp nhận các cam kết của IOC mới được thi đấu trên tư cách độc lập. Tổng cộng, có 168 VĐV dạng này, giành 2 HC vàng, 6 HC bạc và 9 HC đồng. 

3. Real tiếp tục thống trị Champions League. Đội bóng Tây Ban Nha lần thứ ba liên tiếp vô địch đấu trường danh giá nhất thế giới cấp CLB.

Thủ quân Sergio Ramos nâng Cup cùng các đồng đội.

Sau khi kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ hai sau Tottenham, Real thể hiện uy phong trong những cuộc đấu loại trực tiếp dù là PSG, Juventus hay Bayern Munich. Đối đầu Liverpool hừng hực khí thế sau nhiều năm được trở lại chung kết, thầy trò HLV Zinedine Zidane thắng 3-1 với cú đúp của Gareth Bale. Đó là chức vô địch C1/Champions League thứ 13 trong lịch sử Real. Trước họ, chưa CLB nào hai lần liên tiếp vô địch giải đấu này trong kỷ nguyên Champions League. 

Không lâu sau khi mùa giải kết thúc, HLV Zidane từ chức, còn Cristiano Ronaldo gia nhập Juventus với giá 126 triệu đôla - mức phí kỷ lục dành cho một cầu thủ trên 30 tuổi. Sau 9 năm gắn bó, Ronaldo biến mình thành huyền thoại ở Real với 451 bàn qua 438 trận, giành 16 danh hiệu - trong đó có bốn Champions League. Cũng tại đây, anh đoạt bốn Quả Bóng Vàng và ba lần giành Chiếc Giày Vàng châu Âu.

4. Pháp vô địch World Cup. 20 năm kể từ sau chức vô địch trên sân nhà, đội tuyển áo lam một lần nữa lên ngôi tại Cup bóng đá thế giới. 

Pháp thể hiện sức mạnh vượt trội trên đường đến chức vô địch giải đấu ở Nga.

Với thế hệ cầu thủ trẻ trung và tài năng như Kylian Mbappe, Paul Pogba, N'Golo Kante hay Antoine Griezmann... đội tuyển của Didier Deschamp băng băng lên đỉnh sau sáu chiến thắng và một hòa. Trên chặng đường đó, họ đã loại bỏ hàng loạt tên tuổi như Argentina, Uruguay, Bỉ và cuối cùng là "ngựa ô" Croatia. Chiến thắng giải đấu trên đất Nga đưa Pháp vươn lên sánh ngang Argentina và Uruguay về số lần vô địch (2 lần). Deschamps cũng trở thành người thứ ba đăng quang World Cup trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV.

Trong lần tham dự World Cup có thể là cuối cùng, Cristiano Ronaldo và Lionel Messi đều dừng chân tại vòng 1/8. Đây là một phần nguyên nhân khiến danh hiệu Quả Bóng Vàng lần đầu sau 10 năm tuột khỏi tay bộ đôi siêu sao này. Người phá vỡ thế độc tôn là Luka Modric (Croatia) - cũng là chủ nhân giải Cầu thủ hay nhất World Cup 2018.

5. Hà Nội công bố quyết định đăng cai F1. Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á thứ ba trong lịch sử giải đua đăng cai tổ chức giải công thức 1, sau Malaysia và Singapore. 

Sơ đồ đường đua dự kiến do ban tổ chức F1 cung cấp.

Sau rất nhiều đồn thổi, đầu tháng 11, thành phố Hà Nội công bố quyết định đăng cai một chặng của giải đua xe công thức 1. Thời gian tổ chức giải đua đầu tiên dự kiến vào tháng 4/2020. Ban đầu, Hà Nội dự kiến xây dựng đường đua ở quanh Hồ Gươm và một số tuyến đường lân cận. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc cũng như tư vấn từ Công ty sở hữu giải đua Liberty Media, chặng đua sẽ diễn ra ở khu trung tâm thể thao Mỹ Đình. Kinh phí tổ chức được một tập đoàn lớn trong nước tài trợ.

Sự kiện này được kỳ vọng là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Hà Nội cũng như cả nước. Cùng với hai tay đua xuất sắc hiện nay là Lewis Hamilton và Sebastian Vettel, những nhân vật đình đám khác như Max Verstappen, Daniel Ricciardo hay thậm chí là con trai của huyền thoại Michael Schumacher - Mick Schumacher - được kỳ vọng xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2020 cùng những chiếc xe đua tân tiến nhất.

6. Liên đoàn bóng đá Việt Nam có tân Chủ tịch. Sau nhiều biến cố và trì hoãn, đầu tháng 12 Đại hội VFF nhiệm kỳ 2018-2022 được tổ chức và chứng kiến nhiều thay đổi về nhân sự.

Ông Lê Khánh Hải từng phụ trách lĩnh vực thể thao trên cương vị Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL.

Đại hội nhiệm kỳ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 4, nhưng năm lần bảy lượt bị trì hoãn do liên tục xuất hiện đơn thư tố cáo, những tranh cãi và bê bối xung quanh các ứng viên. Điển hình là cuộc chiến giữa ông Đoàn Nguyên Đức với ứng viên phó Chủ tịch tài chính Trần Anh Tú, vụ băng ghi âm của ông Trần Mạnh Hùng với phó ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền rồi phó Chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ vào nhà nghỉ... Chỉ đến khi lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải ứng cử chức Chủ tịch VFF, các cuộc chiến mới lắng dịu.

Trong ngày diễn ra Đại hội, kéo dài từ sáng đến tận đêm khuya 8/12, ông Hải trúng cử chức Chủ tịch trong cuộc đua độc mã, ông Trần Quốc Tuấn tái đắc cử chức phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, ông Cao Văn Chóng làm phó Chủ tịch truyền thông và ông Cấn Văn Nghĩa giữ chức phó Chủ tịch tài chính dù bản thân vướng bê bối nợ thuế hàng trăm tỷ đồng thời còn làm Giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.

7. Việt Nam vô địch AFF Cup. Năm đỉnh cao của bóng đá Việt Nam khép lại bằng chiếc Cup ở giải vô địch các quốc gia khu vực Đông Nam Á hôm 15/12.

Thầy trò HLV Park Hang-seo nâng Cup sau trận chung kết lượt về thắng Malaysia ở Mỹ Đình. Ảnh: Đức Đồng

Sau những thành công vượt bậc ở giải U23 châu Á và Asiad, Việt Nam bước vào giải đấu năm nay với kỳ vọng lập kỳ tích từ hàng triệu người hâm mộ. Bất chấp những tranh cãi về sự xuất hiện của Văn Quyết hay vị trí ở tuyến giữa của Xuân Trường, đội đã tiến một lèo đến chung kết trong thế thượng phong: bất bại ở vòng bảng, thậm chí không thủng lưới bàn nào, đánh bại Philippines của HLV lừng danh Sven-Goran Eriksson với tỷ số 4-2 sau hai lượt trận ở bán kết. 

Trong trận chung kết lượt đi, Việt Nam hòa 2-2 trên sân Bukit Jalil của Malaysia sau khi dẫn trước hai bàn. Chút lợi thế đó đẩy sự háo hức của người hâm mộ lên đỉnh điểm. Những tấm vé trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình trở thành thứ được săn tìm gắt gao, với mức giá ngoài chợ đen cao gấp hàng chục lần so với niêm yết.

Vào buổi tối đẹp trời ở Mỹ Đình, Việt Nam đánh bại Malaysia 1-0 nhờ pha vô-lê của Anh Đức đoạt ngôi vô địch với tổng tỷ số 3-2. Chức vô địch sau 10 năm chờ đợi mang đến cảm xúc vỡ òa cho hàng triệu người hâm mộ. Các con phố trên cả nước giống như ngày hội, khi cả dân tộc đổ ra ăn mừng. Ông Park được xem như người hùng của bóng đá Việt Nam chỉ sau một năm cộng tác. Ông cũng trở thành "Nhân vật của năm" do Hiệp hội báo chí Hàn Quốc bầu chọn.

HLV Park Hang-seo đánh giá đối thủ ở Asian Cup 2019; Cựu HLV Long An làm HLV Indonesia

(Baonghean.vn) - Chia sẻ lý do không triệu tập Anh Đức, Văn Quyết dự Asian Cup 2019, thầy Park đánh giá về Iraq, Iran và Yemen; Trận chung kết AFF Cup 2010 có dấu hiệu “bán độ”; Quang Hải lọt Top 5 đề cử giải thưởng Fair Play 2018; Tottenham xác nhận Son Heung Min về Hàn Quốc dự Asian Cup là những thông tin hấp dẫn về bóng đá Đông Nam Á hôm nay.