(Baonghean) Ngày 12/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá. Trong đó, tại Điểm C, Điều 18 có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2010. Tuy vậy, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, hiện tượng này vẫn diễn ra thường xuyên tại các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngựa đại có giá 400.000 đồng/con được bày bán tại đền Ông Hoàng Mười.
Tỉnh ta có hơn 1.000 di tích lịch sử - văn hóa, từ đình, đền, chùa, miếu mạo, trải khắp 20 huyện, thành, thị với 24 lễ hội cấp vùng, chưa kể các lễ hội làng, xã, lễ hội dòng họ. Chỉ tính riêng trên địa bàn Thành phố Vinh đã có khoảng trên 10 đền, chùa, điện, miếu...
Dịp đầu Xuân cũng là lúc nhà nhà, người người đổ xô vào các đền, chùa đăng ký xin cầu lộc, cầu an. Tại các đền, chùa có tiếng linh thiêng của thành phố và các vùng lân cận như chùa Cần Linh, đền Hồng Sơn, đền Quang Trung, chùa Ân Hậu, đền Ông Hoàng Mười nhộn nhịp, đủ khách trong Nam, ngoài Bắc. Đông nhất, rộn nhất có thể kể đến đền Ông Hoàng Mười thu hút hàng ngàn người dân từ các tỉnh phía Bắc.
Hàng năm, đền ông Hoàng Mười cũng là nơi tiêu thụ mạnh lượng hàng mã. Xung quanh đền có khoảng 6 - 7 hộ chuyên kinh doanh hàng, với chủ yếu là mặt hàng ngựa đại, ngựa trung, ngựa tiểu và hình nhân. Được biết, một con ngựa đại có giá 400 ngàn đồng, ngựa trung 200 ngàn đồng và ngựa tiểu 100 ngàn đồng. Nếu một gia chủ muốn giải hạn cho cả gia đình chỉ 4 người thôi cũng ngót nghét 1 triệu đồng để mua hàng mã. Còn có những lễ cầu siêu, cầu an, lễ tạ... ít nhất cũng hết 5 triệu đồng, nhiều nhất lên tới hàng chục triệu đồng tiền mua hàng mã.
Chị Hải - một người chuyên sản xuất hàng mã tại đền Ông Hoàng Mười cho biết: Vào dịp đầu năm, gia đình chị sản xuất hàng không kịp, phải làm từ trước Tết cho những khách hàng đặt trước. Khi được hỏi: "Chị có biết Chính phủ đang cấm đốt vàng mã không?". Chị Hải cho biết: "Cũng đã nghe Ban Quản lý đền thông báo, nhưng khách hàng đặt thì mình phải làm thôi. Bao giờ khách không đặt hàng nữa thì gia đình mới dừng sản xuất (!)".
Chị Nguyễn Thị Nga ở Đông Vĩnh cho biết: Từ bé thấy ông bà, cha mẹ cứ có cúng, giỗ là phải hóa tiền vàng, quần áo. Rồi lớn lên, lấy chồng chị cũng làm như vậy, lâu dần thành thói quen, thành nếp nghĩ: Nếu không mua tiền vàng để cúng là như có lỗi với ông bà, tổ tiên.
Theo Sư bác trụ trì chùa Ân Hậu - xã Nghi Đức (TP Vinh) thì việc đốt vàng mã đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam từ rất xa xưa, vì thế không thể một sớm một chiều mà bỏ được. Để người dân chấp hành tốt nghị định, Nhà nước cần phải có những biện pháp thiết thực.
Riêng ở chùa Ân Hậu, 100% phật tử không đốt vàng mã, ngay cả những dịp lớn trong năm như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Tám... Với quan điểm của nhà chùa, việc Chính phủ ban hành nghị định này là rất đúng đắn. Vì đốt vàng mã sẽ không có lợi gì mà còn ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của nhân dân.
Dù vậy, vào những ngày lễ lớn, theo truyền thống, chùa vẫn phải bố trí một số nơi để phật tử và người dân đốt vàng mã. Nhà chùa cũng không khuyến khích người đến chùa thực hiện nghi lễ này. Kinh Phật không dạy phật tử đốt vàng mã, nhưng phật tử lại không hiểu điều này.
Vì vậy, Giáo hội Phật giáo và các chùa cần hướng dẫn, giải thích để phật tử giác ngộ thấy được tác hại của hoạt động này để thực hiện tốt hơn.
Ông Phan Văn Hùng - Phó Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh cho biết: Để triển khai thực hiện Nghị định 75 có hiệu quả, thời gian qua, ngành VH-TT và DL đã gửi công văn cho UBND các huyện, thành, thị, phòng VH-TT, trung tâm VH-TT, các đền, chùa trong toàn tỉnh. Tổ chức tập huấn về quản lý lễ hội, các nghị định, pháp lệnh về xử phạt vi phạm trong lễ hội, nhất là việc cấm đốt vàng mã trong lễ hội, tại các di tích.
Hàng năm, vào dịp đầu xuân, dịp lễ hội, Sở VH-TT và DL tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội, các hoạt động mê tín dị đoan... Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 75, nghĩa là đã hai "mùa" đốt vàng mã, các đoàn chức năng vẫn chưa xử phạt được một trường hợp nào! Và xem ra, để hạn chế đốt vàng mã, chỉ có thể "trông cậy" vào ý thức của người dân.