(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành Tài nguyên & Môi trường Nghệ An đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các chương trình, mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên & môi trường trên địa bàn. Những chuyển biến trên các công tác: dồn điền, đổi thửa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, triển khai Luật Đất đai 2013… đã cho thấy sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên toàn ngành.
“Cuộc cách mạng” dồn điền, đổi thửa
Trong những kết quả khả quan của ngành Tài nguyên & Môi trường trong nhiệm kỳ 2010-2015, đột phá đầu tiên phải kể đến là công tác dồn điền, đổi thửa. Thực hiện Chỉ thị 08 - CT/TU của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, hầu khắp các địa phương vào cuộc với khí thế hết sức sôi nổi. Dồn điền, đổi thửa đã được ví như một “cuộc cách mạng”...
Về xã Thanh Liên (Thanh Chương) những ngày đầu năm 2015, cảm nhận khí thế khẩn trương của người nông dân cùng các phương tiện máy móc đang làm đất chuẩn bị cấy và gieo trỉa vụ xuân trên những cánh đồng rộng lớn mới càng thấy rõ hơn hiệu quả sau dồn điền, đổi thửa. Tranh thủ nắng ấm, vợ chồng anh Lê Văn Thủy ở xóm Liên Thanh, xã Thanh Liên ra đồng làm đất gieo trỉa ngô. Với sự “hỗ trợ” đắc lực của chiếc máy cày, chỉ trong buổi sáng cả 2 vợ chồng vừa làm đất vừa gieo trỉa xong hơn 2 sào ngô. Anh Thủy cho biết: Trước đây gia đình có 2 sào đất trồng màu nằm phân tán trên 3 vùng. Vào vụ sản xuất, việc bón phân, phun thuốc phải chạy hết nơi này sang nơi khác, rồi quá trình thâm canh, theo dõi sâu bệnh và thu hoạch rất vất vả. Còn bây giờ, từng ấy diện tích được dồn lại một nơi nên rất thuận lợi cho sản xuất.
Năm 2014, sau khi hoàn thành chuyển đổi ruộng đất, từ 3 thửa ruộng nay chỉ còn 1 thửa lớn, vợ chồng quyết định gom góp mua chiếc máy cày với giá hơn 100 triệu đồng để phục vụ cho sản xuất. Đây là vụ thứ 2 anh sử dụng máy vào việc làm đất, đỡ rất nhiều công so với trước đây làm thủ công. “Thửa lớn, giao thông nội đồng thuận lợi nên gia đình quyết tâm mua sắm máy móc. Có máy đã giải quyết được tình trạng thiếu lao động mùa vụ, gia đình luôn chủ động trong tất cả các khâu từ thu hoạch đến làm đất. Ngoài làm đất ruộng nhà, tôi đi cày thuê, mỗi vụ cũng được hơn chục triệu đồng” – anh Thủy cho biết.
Thanh Liên là xã bán sơn địa (xã miền núi khu vực 2), đất đai không mấy thuận lợi. Sau khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất lần đầu theo Chỉ thị 02 của Tỉnh ủy Nghệ An, xã chuyển từ 9,5 thửa/hộ xuống bình quân 5 thửa/hộ. Thực hiện chuyển đổi lần 2 theo Chỉ thị 08, có 1.939 hộ phải chuyển đổi với 8.345 suất. Kết quả sau chuyển đổi, có hơn 10% hộ nhận 1 vùng và gần 90% hộ nhận 2 vùng, bình quân 1,89 vùng/hộ. Điều đáng nói, đất 5% trước đây để phân tán thì nay được quy hoạch tập trung, đủ điều kiện để xây dựng mô hình gia trại, trang trai và đã có 80 hộ nhận thầu khoán với tổng diện tích 25.5690m2. Đường giao thông nội đồng được chỉnh trang với tổng chiều dài 82 km, rộng nhất 8m. Có đường giao thông nội đồng, máy móc cơ giới hóa được khai thác đưa vào sản xuất. Nếu như năm 2013 cả xã chỉ có 10 máy thì nay có 100 máy cày, cấy các loại, người dân nhàn rỗi hơn với công việc đồng áng nhưng lại cho hiệu quả sản xuất cao.
Thanh Chương được coi là điểm sáng của tỉnh trong công tác dồn điền, đổi thửa, 38/38 xã đã hoàn thành dồn đổi. Ngoài Thanh Chương, nhiều địa phương khác như Yên Thành, Anh Sơn, Đô Lương... cũng đạt hiệu quả tốt sau dồn điền, đổi thửa. Tại Đô Lương, thực hiện Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy, đến nay, toàn huyện đã tiến hành giao đất cho nông dân với diện tích 7.861 ha cho gần 39.500 hộ được giao đất, bình quân từ 5,9 thửa xuống còn 1,7 thửa/hộ, diện tích mỗi thửa bình quân tăng từ 350 m2 lên 1.000 m2, đã tiến hành đào đắp, làm bờ vùng bờ thửa với khối lượng đào đắp gần 4 triệu m3 đất đá. Việc cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư thâm canh, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp.
Chuyển đổi ruộng đất trên địa bàn toàn tỉnh được ví như “cuộc cách mạng” với 331.321 hộ tham gia thực hiện dồn điền, đổi thửa. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện dồn điền, đổi thửa là 83.017 ha. Quy mô bình quân thửa đất sau dồn điền, đổi thửa là 1.214,19 m2. Kết quả thực hiện dồn điền, đổi thửa tại thực địa cơ bản phù hợp với mục tiêu, tiến độ của đề án dồn điền, đổi thửa được duyệt. Đất công ích được quy về vùng tập trung để thuận tiện cho việc quy hoạch các công trình. Việc xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng khi sau thực hiện dồn điền, đổi thửa phù hợp với đề án, quy hoạch đã được duyệt. Nhìn chung, hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng đáp ứng tốt so với yêu cầu của thực tiễn. Sau dồn đổi, các địa phương cũng tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng hiệu quả trên đơn vị diện tích, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Một bộ mặt nông thôn ở các làng quê thực sự khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Chất – Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở TN&MT chia sẻ: Thành công có được chúng tôi cho rằng, ngay từ chủ trương là sát đúng, hợp lòng dân. Chính vì thế, khi dân tin, đồng tình ủng hộ đã tạo nên sự đồng thuận lớn trong tổ chức thực hiện. Thực hiện chủ trương của tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường được xác định là lực lượng “chủ công”, từ xây dựng quy trình, hướng dẫn triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa đến tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Với tư cách là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo, sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, và tổ chức kiểm tra tại tất cả các huyện, thành, để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời hàng tháng cử cán bộ đi kiểm tra để nắm tiến độ thực hiện tại các địa phương.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 320 xã có khả năng dồn điền, đổi thửa, trong đó có 248 xã đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa tại thực địa, 52 xã đang thực hiện và 19 xã chưa thực hiện (theo kế hoạch từ năm 2012 - 2014 phải hoàn thành 213 xã). Có 300/320 xã đã thực hiện chuyển đổi ruộng đất; trong đó có một số huyện đã hoàn thành cơ bản như: Yên Thành 39/39 xã; Diễn Châu 35/37 xã; Quỳnh Lưu 29/29 xã; Đô Lương 26/32 xã; Anh Sơn 20/20 xã; Thanh Chương 38/38 xã, Nam Đàn 23/23 xã, TX. Thái Hòa 5/5 xã. Các huyện triển khai còn chậm gồm: Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Con Cuông, Hưng Nguyên. Sản xuất nông nghiệp đang đi đến một ngưỡng phát triển mới, đòi hỏi thay thế những mảnh ruộng nhỏ bé bằng những thửa ruộng lớn hơn, những cung cách làm ăn lớn, có tổ chức và mô hình công nghiệp hóa. Hơn bao giờ hết, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang được đặt ra. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, để thấy sự vào cuộc của Sở Tài nguyên - Môi trường Nghệ An trong vấn đề dồn điền, đổi thửa và tập thể ngành thực sự góp công trong việc giải bài toán hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân hiện nay.
Đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, nhiệm kỳ qua, Sở Tài nguyên & Môi trường đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất sâu sát, quyết liệt và thống nhất từ tỉnh đến địa phương nên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSD) trên địa bàn toàn tỉnh. Tiến độ cấp Giấy chứng nhận được đẩy nhanh, tỷ lệ cấp bình quân trên địa bàn toàn tỉnh được nâng lên 90% diện tích cần cấp, đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra.
Một trong những địa phương dẫn đầu trong công tác cấp GCN QSD đất phải kể đến TP. Vinh. Tổng diện tích đất tự nhiên gần 105 km2 với 25 phường, xã, trong giai đoạn 2011-2015, công tác quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố Vinh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đến nay, việc cấp GCN QSD đất lần đầu trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ 95% diện tích cần cấp đối với đất ở (đầu nhiệm kỳ là 89%) và 89% diện tích cần cấp đối với đất nông nghiệp (đầu nhiệm kỳ 68%), tỷ lệ này cao hơn mức yêu cầu của Quốc hội khóa XIII và của UBND tỉnh Nghệ An (trên 85% theo diện tích cần cấp).
Đã có rất nhiều giải pháp, cách làm hay được TP. Vinh triển khai. UBND các phường, xã được giao hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố thụ lý theo hình thức “cuốn chiếu”, không tiếp nhận hồ sơ theo hình thức nhu cầu tại Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả. Sau khi UBND thành phố ký GCN, văn phòng đăng ký có trách nhiệm thông báo cho công dân đến nhận kết quả, trường hợp phường, xã nào có trên 10 GCN thì cán bộ văn phòng đăng ký trực tiếp về tại trụ sở UBND phường, xã đó để phát GCN cho nhân dân. UBND các phường, xã tổ chức xét duyệt hồ sơ ít nhất mỗi tuần 2 buổi (đối với những trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất) theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”,… Định kỳ vào ngày 22 hàng tháng, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất kèm theo Bảng tự chấm điểm về UBND thành phố.
Ông Nguyễn Tất Sơn, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Vinh cho hay: Nhiệm kỳ qua, UBND thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, từ thành phố đến phường, xã. Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; Triển khai và hoàn thành việc đo đạc bản đồ địa chính cho các phường, xã mới sáp nhập vào thành phố như Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Liên, 4 xóm thuộc phường Vinh Tân để phục vụ việc cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận. Để thuận lợi cho công tác quản lý, chúng tôi triển khai thực hiện đề án lập và hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sơ dữ liệu đất đai Thành phố Vinh…
Đến nay, tiến độ cấp GCN QSD đất được đẩy nhanh, tỷ lệ cấp bình quân trên địa bàn toàn tỉnh đã được nâng lên. Tổng hợp kết quả báo cáo từ các huyện thì diện tích cần cấp GCN QSD trên địa bàn toàn tỉnh là 1.027.847,60 ha, trong đó, tổ chức là 489.018,34 ha, hộ gia đình, cá nhân là 538.829,26 ha. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản giảm so với thống kê đất đai 2.057,07 ha là do chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nuôi trồng thủy sản sang mục đích khác (đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn, đất chuyên dùng...). Một số trường hợp tồn đọng chưa thể thực hiện công tác cấp GCN do: các chủ sử dụng đất lấn chiếm, chuyển mục đich trái phép không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, giao trái thẩm quyền; khu đất đang còn tranh chấp.
Theo kế hoạch chỉ tiêu thực hiện cấp GCN QSD đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2014 cấp tối thiểu phải đạt được tỷ lệ 85% theo diện tích các loại đất cần phải cấp GCN. Đến 30/12/2014, toàn tỉnh đã cấp GCN lần đầu được 1.344.697 GCN với diện tích cấp được là 925.087,32 ha đất đạt gần 90% so với tổng diện tích cần phải cấp; Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp đã cấp được 644.163 GCN, đạt 90% so với tổng diện tích cần phải cấp. Đất phi nông nghiệp (đất ở tại nông thôn, đất ở đô thị và đất chuyên dùng) đã cấp được 700.534 GCN, tổng diện tích cấp được 39.013,30 ha, đạt trên 89% so với tổng diện tích cần phải cấp. Như vậy, trong nhiệm kỳ 2010-2015, đến thời điểm này, tỷ lệ diện tích được cấp GCN tăng đáng kể, trong đó, nổi bật nhất là đất lâm nghiệp, đất ở đô thị, đất ở nông thôn đều đạt trên 90% diện tích cần cấp.
Điểm nổi bật trong triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh là đã huy động tất cả hệ thống chính trị, phân công, cử cán bộ chỉ đạo, cán bộ chuyên môn về phụ trách địa bàn để hướng dẫn cho UBND huyện, UBND xã chủ động tổ chức cho đối tượng sử dụng đất kê khai đăng ký đồng loạt mà không thụ động chờ đối tượng sử dụng đất đến kê khai đăng ký như trước đây; đồng thời phối hợp với UBND cấp xã cùng tham gia tổ chức xét duyệt hồ sơ đồng loạt nhanh gọn, không để tình trạng kéo dài thời gian quá quy định. Tập trung đơn vị tư vấn để tiến hành đo đạc lập bản đồ để phục vụ công tác đo đạc, lập hồ sơ cấp GCN, nhất là những nơi chưa có bản đồ địa chính để thực hiện cấp GCN lần đầu, gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông.
Đưa Luật Đất đai 2013 vào cuộc sống
Một lĩnh vực khác ghi dấu nỗ lực của ngành Tài nguyên & Môi trường là việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh. Tính từ ngày 1/7/2014 đến nay đã hơn 6 tháng Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành. Thời gian thực hiện chưa dài, song có thể khẳng định những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh là dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ qua. Ngay từ cuối năm 2013, Sở TN&MT đã xác định công tác triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của sở trong năm 2014. Ngày 24/3/2014, tại Quyết định số 1077/QĐ-UBND.ĐC, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở TN&MT, các sở, ngành có liên quan; chính quyền các huyện, thành, thị phải tập trung thực hiện nhiều những nhiệm vụ để qua đó, tổ chức thực hiện tốt Luật Đất đai năm 2013. Cùng với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, những nhiệm vụ đề ra tại Quyết định 1077 cơ bản đã và đang được Sở TN&MT và các cơ quan có liên quan thực hiện theo đúng kế hoạch.
Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, tất cả các địa phương đã tập trung triển khai tại cơ sở, trong đó, Thị xã Cửa Lò được đánh giá là một trong những đơn vị vào cuộc sớm, quyết liệt và đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, đưa luật vào cuộc sống. Trao đổi của ông Lê Đình Sâm - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Thị xã Cửa Lò, cho biết: Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 nhưng trước đó vào tháng 5, 6/2014 chúng tôi đã mời cán bộ Bộ Tài nguyên & Môi trường là cơ quan soạn thảo luật về để tập huấn cho cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng đăng ký QSD đất, Trung tâm phát triển quỹ đất, chủ tịch, cán bộ địa chính, khối trưởng của 7 phường trên địa bàn thị xã tiếp thu các nội dung của luật.
Cùng với đó, chúng tôi tham mưu cho UBND thị xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền địa phương về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; công tác điều tra cơ bản về đất đai, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận QSD đất, QSH nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai; công tác định giá đất; công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý và sử dụng đất… Cho đến nay, có thể khẳng định công tác triển khai thực hiện Luật Đất đai đã đúng theo kế hoạch đề ra, việc áp dụng luật vào thực tiễn cơ bản thuận lợi, không có gì vướng mắc.
Ở phương diện chung của cả tỉnh, rất nhiều văn bản liên quan đến việc cấp GCN QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; về việc cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh… đã được ban hành trong năm 2014. Đây đều là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong thẩm quyền cấp tỉnh. Với những kết quả đã thực hiện, Nghệ An được Bộ TN&MT đánh giá là một trong những địa phương trên toàn quốc thực hiện kịp thời nhất, là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nội dung ban hành văn bản triển khai Luật Đất đai với 7 văn bản.
Để Luật Đất đai đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả, một vấn đề hết sức quan trọng là những cá nhân thực hiện luật, đặc biệt là ở cấp địa phương cơ sở phải am tường, và tuân thủ nghiêm túc các quy định của luật. Trao đổi về những bài học trong công tác chỉ đạo, đồng chí Võ Duy Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013, Sở TN&MT đã phối hợp với các huyện, thành, thị tổ chức nhiều đợt tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở; từ đó, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, sở đã soạn thảo văn bản hướng dẫn chi tiết những nội dung quan trọng của luật mà Công chức địa chính, Chủ tịch UBND cấp xã cần đặc biệt lưu ý, quan tâm trong quá trình thực hiện. Cũng tại văn bản hướng dẫn, sở dẫn ra các hạn chế bất cập và đặc biệt nhấn mạnh về những nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về con người, khẳng định một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn yếu kém về năng lực, thiếu trách nhiệm, nên bên cạnh việc học tập, nghiên cứu để am tường các quy định của luật thì cần rèn dũa, nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ, từ đó thực hiện tốt Luật Đất đai năm 2013, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày một phát triển.
Thu Huyền