(Baonghean) - 20 năm qua, từ một phường cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, văn hóa, xã hội chưa phát triển; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không ổn định, đặc biệt là tệ nạn ma túy còn nhiều phức tạp… Đảng bộ và nhân dân phường Đông Vĩnh (TP Vinh) đã vượt qua nhiều khó khăn để có ngày hôm nay: một phường được đánh giá là phát triển khá toàn diện, hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
 
Đông Vĩnh xưa
 
Trước cách mạng tháng Tám 1945, Đông Vĩnh thuộc tổng Yên Trường; vùng đất làng Yên Duệ cũng thuộc tổng Yên Trường. Khi thành lập chính quyền cách mạng, Yên Duệ thuộc xã Xuân Yên (Hưng Đông). Năm 1946, Xuân Yên đổi tên là xã Thường Xuân. Năm 1947 Thường Xuân nhập với Hưng Cái (Hưng Tây) thành xã mới Hưng Thành. Cuối năm 1953 lại tách ra hai xã Hưng Tây và Hưng Đông (Hưng Nguyên). Ngày 20/12/1970, Thủ tướng có Quyết định 80/CP phê chuẩn việc sát nhập các xã Hưng Hòa, Hưng Lộc, Hưng Đông, Hưng Vĩnh và một phần đất đai ở phía Bắc sông cầu Đước thuộc xã Hưng Chính (Hưng Nguyên) và xã Nghi Phú (Nghi Lộc) vào Thành phố Vinh.
 
Tháng 4/1979, theo tinh thần đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, trong đó có nội dung mở rộng quy mô các hợp tác xã nông nghiệp và Thành phố Vinh đứng trước yêu cầu xây dựng một thành phố lớn, công nghiệp, cần có một vành đai lương thực, thực phẩm, hai xã Hưng Vĩnh và Hưng Đông được nhập thành xã Đông Vĩnh. Xã Đông Vĩnh có diện tích 1.095,24 ha, dân số 20.827 người.
 
Thực tiễn 16 năm hợp nhất thấy quy mô lớn như vậy chưa phù hợp với tình hình của địa phương, theo đề nghị của Thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 54/TTg ngày 28/6/1994, chia tách xã Đông Vĩnh thành hai đơn vị hành chính là phường Đông Vĩnh và xã Hưng Đông. Địa giới hành chính cụ thể, trên trục đường Nguyễn Trường Tộ, phường Đông Vĩnh mới được tính từ Trạm điện 220 KV trở về phía đường sắt Bắc – Nam; Phần giáp cận còn lại chính là phần đất đã có của xã Hưng Vĩnh trước khi nhập với xã Hưng Đông năm 1979.
 
Phường Đông Vĩnh ngày nay là một trong những phường nội thành của Thành phố Vinh – đô thị loại I. Phường có 14 khối dân cư, một khu Tiểu thủ công nghiệp, có 27 cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
 
Trên đường đổi mới.
 
Về Đông Vĩnh những ngày này đi đến đâu cũng thấy một khí thế háo hức, phấn khởi. Người dân phấn khởi bởi suốt 20 năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của phường, bản thân họ cũng thấy mình đã đóng góp một phần nhỏ công sức trong sự phát triển chung ấy. Đến thăm khối Vĩnh Thịnh - một trong những khối vừa đón nhận danh hiệu khối phố văn hóa năm 2014 đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập phường. Tại nhà văn hóa khối khang trang vừa được khánh thành với tổng trị giá trên 500 triệu đồng từ sự đóng góp của người dân, ông Lê Bá Trắc – Khối trưởng cho biết: Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, suốt thời gian qua, nhân dân trong khối đã một lòng đoàn kết, nhất trí từ chủ trương, đường lối đến phương thức thực hiện. Qua quá trình triển khai, chúng tôi nhận ra một điều: Khi lòng dân đã thuận, đã đồng nhất thì việc gì cũng thành công. Ví như chuyện ủng hộ xây dựng nhà văn hóa khối, sau khi có chủ trương, chúng tôi đã triển khai ngay trong các cuộc họp từ cấp xóm đến cấp khối, tuyên truyền trên loa phát thanh đến tận người dân, và chỉ trong một thời gian ngắn, khối đã nhận được rất nhiều tấm lòng hảo tâm, sự đóng góp nhiệt tình của người dân. Và đúng dịp khối đón nhận danh hiệu Khối Văn hóa thì Nhà Văn hóa khối cũng chính thức khánh thành. Đến nay, khối Vĩnh Thịnh là khối thứ 12/14 khối của phường Đông Vĩnh đạt danh hiệu Khối Văn hóa.
 
images1015337_a6_tr__s__ubnd_phu_ng___ng_vinh_r_c_r__nh_n_ng_y_k__ni_m_20_nam_th_nh_l_p.jpgTrụ sở UBND phường Đông Vĩnh rực rỡ nhân ngày kỷ niệm 20 năm thành lập.
 
Trao đổi với ông Lê Trường Thành – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh, được  biết: Tuy được gọi là phường nhưng kinh tế vẫn chủ yếu từ nông nghiệp, chiếm hơn 65%; Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ không đáng kể. Thu thuế công - thương trên địa bàn chỉ được 30 triệu đồng/năm. Ngân sách chưa đủ trang trải nhu cầu tối thiểu, chưa thể nói đến đầu tư xây dựng, dù là một công trình phúc lợi nhỏ. Tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới gần 20%; hộ giàu mới chỉ đạt 3,2%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng lên tới 30,8%. Dân nghèo, chưa thể huy động đóng góp xây dựng hạ tầng nên nhìn chung cơ sở “điện, đường, trường, trạm” thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tổi thiểu của người dân.
 
Sự khó khăn ấy vừa do năng lực sản xuất thấp, vừa do tỷ lệ phát triển dân số quá nhanh (1,8%), bình quân thu nhập đầu người thấp. Một phần cũng do thiếu việc làm dẫn đến một số con em trong phường sa vào cờ bạc, rượu chè và các tệ nạn xã hội. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân khi được chuyển lên phường còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của thành phố. Thế nhưng, sau 20 năm vượt qua biết bao khó khăn, đến nay phường Đông Vĩnh đã chuyển mình thành một phường nội thành, sánh vai với các phường bạn có từ trước và có những điều kiện phát triển hơn. Hiện bình quân thu nhập đầu người đạt 22,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,73%. Tỷ lệ hộ khá, giàu đạt 72%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chỉ còn 11,2%.
 
Cơ sở vật chất “điện, đường, trường, trạm” từng bước được đầu tư đồng bộ. Nhiều phong trào thi đua như hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, đã mở thêm nhiều tuyến đường nhựa và bê tông hóa, là đơn vị đi đầu thực hiện thành công Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Thành ủy Vinh. Các công trình phúc lợi như hệ thống nhà văn hóa được đầu tư khang trang. Các trường học được đầu tư xây dựng và được trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học đồng bộ, đã tạo cho môi trường giáo dục ngày càng phát triển. Trường tiểu học, trường mầm non, Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư hàng trăm tỷ đồng  (trong đó nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng và hiến hơn 50 nghìn m2 đất để mở đường giao thông). An ninh trong từng khối phố đã thực sự ổn định, 92% gia đình đạt chuẩn Gia đình Văn hóa. Hiện nay đã có 12/14 khối đạt danh hiệu Đơn vị Văn hóa.  
 
Được như vậy là nhờ cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp - xây dựng và thương mại, dịch vụ. Tổng giá trị sản xuất nay đã đạt 437.900 triệu đồng. Nhịp độ phát triển đạt mức 12,14%. Tổng thu ngân sách hàng năm đạt 8.076 triệu đồng, đảm bảo cân đối được nguồn thu để chi thường xuyên cho các hoạt động và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.   
 
Những thành quả trên đây được bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết, biết khơi dậy truyền thống cách mạng của quê hương Làng Vang, Yên Duệ xưa, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của nhân dân. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công cuộc cải cách hành chính từ bộ máy lãnh đạo. Đảng ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ và các tổ chức, đoàn thể quần chúng từ phường đến khối, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và toàn thể nhân dân đã biết phát huy sức mạnh nội lực, vận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực bên ngoài, với sự quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, các ngành thành phố.
 
Sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân là yếu tố quyết định cho mọi sự thắng lợi. Biết phát huy mối quan hệ phối hợp của cả hệ thống chính trị. Kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo có hiệu quả vào tình hình cụ thể kinh tế - xã hội của địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo từng thời kỳ, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá. Quá trình thực hiện đảm bảo tính dân chủ cao, phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, các phong trào phải gắn với đời sống thực tiễn của nhân dân mới khơi dậy được tinh thần tham gia xây dựng quê hương.
 
Thanh Thủy