Tại lễ bàn giao nhà “Mái ấm tình thương” vào cuối tháng 9/2020, chị Phan Thị Quý ở xóm 8, xã Đại Sơn (Đô Lương) rất xúc động, vui mừng vì từ nay đã có được mái nhà kiên cố. Chị Quý làm mẹ đơn thân, bị bệnh tim, ốm đau triền miên; hai mẹ con chị sống chung nhà với mẹ già hơn 80 tuổi. 

Chị cũng có một mảnh đất người em trai mua cho để tách ra ở riêng từ nhiều năm nay, nhưng chị không có khả năng xây nhà ở. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Hội Phụ nữ huyện đã vận động hỗ trợ xây nhà cho gia đình chị. Sau gần 2 tháng thi công, ngôi nhà cấp 4 hoàn thành với diện tích 42 m2. Tổng kinh phí xây dựng công trình là 132 triệu đồng, trong đó Hội Phụ nữ huyện hỗ trợ 40 triệu đồng; các tổ chức xã hội, anh em, họ hàng, bà con, đơn vị xóm 8 chung tay ủng hộ phần còn lại và ngày công lao động... Từ niềm vui an cư, mẹ con chị Quý có thêm động lực, chăm chỉ sản xuất để cuộc sống ổn định hơn.

bna_hoi_phu_nu_huyen_do_luong_1_anh_pv6203072_31102020.jpgHội Phụ nữ huyện Đô Lương trao tiền hỗ trợ xây nhà Mái ấm tình thương cho chị Phan Thị Quý ở xóm 8, xã Đại Sơn. Ảnh PV

Rất nhiều phụ nữ nghèo, đơn thân khác trên địa bàn huyện Đô Lương nhận được sự quan tâm, sẻ chia của hội phụ nữ các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp...

Hiểu rõ hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Tuyết ở xóm 9, xã Trù Sơn, sức khỏe yếu, chồng chị bị tật nguyền không có sức lao động, nhà đông con, trong khi kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào sản xuất tại đất vườn nhà cho thu nhập không đáng kể, Hội Phụ nữ xã Trù Sơn đã đề xuất và được Hội Phụ nữ huyện hỗ trợ 2 con dê sinh sản trị giá 5 triệu đồng thông qua hình thức mô hình sinh kế... Để đảm bảo cho mô hình hiệu quả, cán bộ, hội viên hội phụ nữ xã được giao nhiệm vụ thường xuyên bám sát, hướng dẫn gia đình kỹ thuật chăn nuôi và cách phòng trừ dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở xóm 9, xã Trù Sơn (Đô Lương) được hỗ trợ 2 con dê sinh sản trị giá 5 triệu đồng thông qua mô hình sinh kế. Ảnh: P.V

Theo bà Thái Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đô Lương: Đợt thi đua đặc biệt “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động bắt đầu từ tháng 3, kết thúc vào tháng 9/2020. Mỗi cơ sở hội lựa chọn nội dung và cách thức hành động thiết thực, phù hợp với thực tiễn tại địa phương để triển khai thực hiện; và mỗi cán bộ, hội viên có ít nhất một hành động thiết thực gắn với thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động của hội...

Xuất phát từ tình hình thực tế của một bộ phận thuộc nhóm hội viên, phụ nữ và trẻ em yếu thế trong toàn huyện có rất nhiều hoàn cảnh éo le, đặc biệt khó khăn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Với vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội và có hoạt động thiết thực hưởng ứng đợt thi, Hội Phụ nữ huyện đã lựa chọn phong trào “Đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em yếu thế trong cộng đồng”. 

Để cuộc phát động đạt hiệu quả, Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo các cấp hội chủ động rà soát, phân nhóm phụ nữ và trẻ em theo đặc thù để có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên bằng các hình thức: xây nhà mái ấm tình thương; mô hình sinh kế; tặng xe đạp, bàn, ghế, sách vở... Về huy động nguồn lực, Hội đã sáng tạo bằng nhiều hình thức như phát động phong trào “Biến phế liệu thành việc làm có ích”, huy động đóng góp, ủng hộ của hội viên; trực tiếp kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ các hoạt động hướng về phụ nữ và trẻ em yếu thế.

Từ phong trào “Biến phế liệu thành việc có ích” để gây quỹ, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, gà giống, dê sinh sản... Ảnh: PV

Qua 7 tháng triển khai (từ tháng 3 đến tháng 9/2020), toàn huyện đã huy động được tổng số tiền gần 2,1 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây dựng 18 nhà “Mái ấm tình thương” (tổng số tiền 890 triệu đồng); trao 29 mô hình sinh kế gồm: gà giống, lợn giống, dê, bò (số tiền 127 triệu đồng); tặng 60 xe đạp, sách giáo khoa, vở (với số tiền hơn 67 triệu đồng); trao 36 bộ bàn, ghế học tập cho học sinh trị giá 27,8 triệu đồng.

Bằng hình thức thông qua trang mạng xã hội, các cấp hội đã kêu gọi các nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên quyên góp được gần 443 triệu đồng. Ngoài ra, từ phong trào thu gom “Biến phế liệu thành việc có ích” (đặt các điểm thu gom phế liệu tại các quán ăn), bán bình nước thủy tinh, hộp nhựa an toàn đựng thức ăn để gây quỹ, các cấp hội đã trao tặng 1.204 suất quà trị giá gần 230 triệu đồng, gồm thẻ bảo hiểm, con giống, thức ăn chăn nuôi, gạo, quần áo, xe lăn... cho phụ nữ và trẻ em yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. 

Đợt thi đua đặc biệt được kết hợp chặt chẽ với các phong trào thường xuyên của các cấp hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Và thông qua phong trào thi đua này, toàn huyện đã có 798 hành động tiêu biểu của các cấp hội, cán bộ, hội viên giúp đỡ được 3.440 phụ nữ và trẻ em yếu thế; tiếp thêm nghị lực cho chị em vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...

Bà Thái Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đô Lương chia sẻ: Các hoạt động hướng về phụ nữ và trẻ em yếu thế trong cộng đồng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao sự sáng tạo, lựa chọn hành động thiết thực của các cấp hội phụ nữ toàn huyện; góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn, đồng thời khẳng định những việc làm thiết thực của tổ chức hội phụ nữ trong hệ thống chính trị.