(Baonghean) - Nhiều gia đình quan tâm, chăm lo hơn đến việc học hành của con em mình; các em học sinh chưa ngoan đã ý thức hơn trong học tập, tu dưỡng; chất lượng giáo dục của địa phương được nâng lên. Đó là hiệu quả mà các CLB “Giáo dục và đời sống” ở huyện Anh Sơn mang lại.
Thông qua sự chỉ đạo của Hội Phụ nữ tỉnh và nguồn tài trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamăng (VVOB) - Vương quốc Bỉ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Anh Sơn đã triển khai mô hình CLB "Giáo dục và đời sống". Mô hình được thực hiện thí điểm từ tháng 7/2010 tại xóm 8 và xóm 9, xã Hoa Sơn, mỗi câu lạc bộ có 40 thành viên tham gia, nhằm hỗ trợ các kỹ năng giáo dục trẻ em cho các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên. Mô hình có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục cho học sinh, giúp các em năng động, tích cực trong học tập.
Dưới sự quản lý của Hội LHPN xã, Ban Điều hành và Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đã phân công từng thành viên phụ trách, xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức sinh hoạt hàng tháng với các chủ đề như: tìm hiểu về phương pháp dạy và học tích cực; tìm hiểu về tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì; cách giáo dục rèn luyện kỹ năng sống cho con; lợi ích của góc học tập, xây dựng thời gian biểu, giúp con lập kế hoạch trong cuộc sống, cách giúp con định hướng nghề nghiệp trong tương lai... Được sự hướng dẫn của VVOB, các thành viên được tham gia sinh hoạt với phương pháp "học tích cực", trong đó báo cáo viên là người điều hành, thiết kế, hướng dẫn chương trình; các thành viên của CLB là chủ thể hoạt động. Các thành viên phải suy nghĩ, cùng nhau thảo luận rồi trình bày các ý kiến của mình, tham gia đóng tiểu phẩm, các trò chơi, từ đó rút ra được những kiến thức mà chủ đề muốn đề cập đến. Vì vậy, các buổi sinh hoạt không nhàm chán mà luôn mới mẻ và thu hút được mọi thành viên tham gia, từ đó giúp các bậc phụ huynh có cách nhìn đúng đắn hơn về cách giáo dục con em mình.
Hội LHPN huyện Anh Sơn trao quà cho học sinh vượt khó học giỏi.
Chị Lê Thị Thanh Kỷ - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 8, xã Hoa Sơn cho biết: “Trước khi triển khai mô hình, nhiều bậc phụ huynh mải làm lụng kiếm sống, không quan tâm nhiều đến việc học hành của con. Khi mới thành lập, CLB gặp không ít khó khăn trong cách điều hành, xây dựng kịch bản, nhiều thành viên lúc đầu tham gia sinh hoạt còn rụt rè và thật sự chưa hiểu mục đích của mô hình này. Nhưng với những lợi ích mà CLB mang lại đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình, sôi nổi của các thành viên. Việc tham gia sinh hoạt CLB giúp các thành viên được bổ sung kiến thức về cách nuôi dạy con, từ đó nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi như: quan tâm đến việc học hành của con nhiều hơn, cố gắng tạo mọi điều kiện để bố trí cho con một nơi yên tĩnh và có đủ ánh sáng để học tập, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con, không còn tư tưởng áp đặt như trước đây”.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Lan (SN 1970), chồng là bộ đội công tác xa, chị ở nhà vừa làm y tế xóm, vừa bán hàng tạp hóa, công việc bề bộn nên ít có thời gian quan tâm đến con, kể cả việc học hành. “Từ ngày tham gia câu lạc bộ, tôi nhận thấy việc mình bỏ mặc cho các con tự học là sai lầm. Tôi cũng như nhiều chị em khác biết thu xếp công việc để lắng nghe con cái, chia sẻ, đồng hành cùng con trong việc học tập”, chị Lan tâm sự. Còn trường hợp chi Ngô Thị Trang (SN 1972), sinh được 2 người con gái, chồng chị mất năm 2004. Chị Trang cho biết, trước đây, cũng vì quan niệm “con gái là con người ta” nên chị không quan tâm nhiều đến việc học hành của 2 cháu. Nhưng từ khi tham gia CLB, chị Trang xóa bỏ quan niệm phân biệt giữa con trai và con gái; học hỏi nhiều kiến thức về tâm, sinh lý của trẻ, cách dạy bảo con học tập hiệu quả… Từ ngày có mẹ theo sát việc học, hai con gái của chị là cháu Nguyễn Thị Trinh (SN 1995) và Nguyễn Thị Dinh (SN 1997) đã tiến bộ rõ rệt trong học tập và 2 năm học vừa qua đều vươn lên đạt học sinh tiên tiến.
Không chỉ cung cấp kiến thức, các CLB “Giáo dục và đời sống” còn là nơi để các thành viên trao đổi, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm nuôi dạy con, cùng giúp đỡ lẫn nhau để con mình chăm ngoan hơn... CLB cũng là cầu nối giữa nhà trường với gia đình. Hằng năm, Ban Chủ nhiệm các CLB đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn vận động các em bỏ học trở lại trường. Điển hình như trường hợp em Nguyễn Ngô Quân (SN 1996) – con trai anh Nguyễn Ngô Nam và chị Võ Thị Nguyệt ở xóm 9, trước đây thường xuyên bỏ học, chơi games. Với sự vào cuộc tích cực của CLB, phối hợp với chi hội khuyến học và nhà trường vận động, giáo dục, từ đầu năm học 2013 – 2014, em Quân đã bỏ hẳn việc chơi games, đến trường đều đặn và tích cực hơn trong học tập.
Bên cạnh đó, các CLB “Giáo dục và đời sống” phối hợp với các chi hội người cao tuổi duy trì có nề nếp phong trào “Tiếng trống học bài” và cắt cử các thành viên theo dõi, đôn đốc; vận động các thành viên đóng góp quỹ để chung tay giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn… Nhờ hoạt động hiệu quả của các CLB mà chất lượng giáo dục ở địa bàn được nâng lên. Như ở xóm 8, xã Hoa Sơn, trước khi triển khai mô hình, trong xóm chỉ xấp xỉ 30 em đạt học sinh giỏi các cấp. Từ khi CLB đi vào hoạt động, trong 2 năm học 2011 – 2012 và 2012 –2013, mỗi năm xóm có trên 40 em đạt học sinh giỏi, trong đó từ 10-15 em đạt học sinh giỏi huyện. Chị Lê Thị Phương – Chủ tịch Hội LHPN xã Hoa Sơn cho biết thêm: “Thông qua hoạt động của CLB “Giáo dục và đời sống”, chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ ngày càng nhiều, tích cực hơn, tích cực thực hiện tốt các phong trào do Hội LHPN phát động như: Phong trào "Nuôi heo đất" để tiết kiệm tiền cho con ăn học; cuộc vận động “Xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo”... Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, chi hội phụ nữ xóm 8, xóm 9 là một những chi hội xuất sắc dẫn đầu của phong trào phụ nữ xã”.
Chị Lê Thị Thanh Nga – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Anh Sơn cho biết: “Từ hiệu quả hoạt động của 2 CLB “Giáo dục và đời sống” ở xã Hoa Sơn, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 21 Câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống” với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, tạo cơ hội cho cha mẹ học sinh, được tiếp cận với các nguồn thông tin, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc giáo dục trẻ vị thành niên để hỗ trợ con em học tập tích cực và phát triển nhân cách toàn diện. Đồng thời, hoạt động của các CLB này đã góp phần nâng cao năng lực của Hội LHPN trong việc tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia vào công tác giáo dục nói chung và hỗ trợ nhà trường trong thực hiện dạy và học tích cực. Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các xã duy trì và nhân rộng mô hình này ở các thôn, xóm, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện nhà”.
Minh Quân