Mục tiêu trọng tâm của kế hoạch là: Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phòng ngừa tội phạm; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng.
Quá trình thực hiện công tác phòng chống mua bán ngườiphải gắn với các chủ trương, giải pháp phòng chống tội phạm nói chung và lồng ghép với chương trình phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm của địa phương nhằm phát huy tối đa công tác này, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm tình hình tội phạm mua bán người trên toàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện các hoạt động phòng chống mua, bán người bảo đảm thích ứng, linh hoạt,an toàn, hiệu quả phù hợp với diễn biến của tình hình dịch Covid-19, chấp hành nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh
Đối với công tác phòng ngừa, UBND tỉnh yêu cầu:
- Tổ chức các hoạt động phòng ngừa mua bán người từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Phát huy vai trò của lực lượng công an xã, các tổ chức chính trị- xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về phòng, chống mua bán người. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng chống mua, bán người, gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
- Tập trung phát triển KTXH ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi dân tộc; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1797/QĐ_TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng chính phủ; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, việc làm, những người lao động bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19…; không để nhóm yếu thế này trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
- Lực lượng công an, chủ công là lực lượng cảnh sát hình sự phối hợp với BĐBP các cấp thực hiện tốt các mặt công tác; tiến hành điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, đối tượng liên quan, nhất là một số đối tượng nghi vấn, chủ mưu, cầm đầu đường dây phạm tội, số có tiền án, tiền sự về tội danh mua bán người để phòng ngừa với phương châm phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở, chủ động đấu tranh, ngăn chặn.
-Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự nhất là công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh; cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam; Quản lý, kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT như: cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú (nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn), nhà hàng, quán bar, karaoke, massage, vũ trường, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng để tập kết nạn nhân trước khi đưa họ ra nước ngoài… để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm.
Đối với công tác đấu tranh, xét xử tội phạm mua bán người, kế hoạch nêu rõ:
-Sử dụng đồng bộ các biện pháp kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện và nghi vấn hoạt động mua bán người, mua bán người trong nội địa, mua bán bộ phận cơ thể người, các hoạt động lợi dụng tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép để mua bán, cưỡng bức lao động… Chỉ đạo mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh, thời gian từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 30/9/2022.
-Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các quy định sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; tổ chức điều tra kịp thời, nghiêm minh các vụ án, thường xuyên thanh, kiểm tra phòng ngừa các trường hợp bức cung, nhục hình, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
-Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người. Các cơ quan tố tụng phối hợp, thống nhất xác định các vụ án trọng điểm, vụ án lớn; đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án mua bán người được dư luận xã hội quan tâm để đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác định, giải cứu, bảo vệ hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm; thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật. Khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ nạn nhân… Hướng dẫn, chỉ đạo công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật phòng chống, mua bán người và Luật trợ giúp pháp lý.
Đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác đa phương về phòng chống mua bán người: Tiếp tục triển khai công ước ASEAN về phòng chống mua, bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ( công ước ACTIP); thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hiệp Quốc ( thảo thuận GCM) theo kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, trong đó có nhiệm vụ về phòng chống mua, bán người trong di cư quốc tế nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và phòng chống mua bán người.
Duy trì tăng cường triển khai hoạt động phối hợp trong công tác phòng chống mua bán người với lực lượng chức năng, các ngành, các địa phương khác trên cả nước và lực lượng chức năng các nước, nhất là với nước CHDCND Lào, CHND Trung Hoa, các tổ chức quốc tế về trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định đầu mối hợp tác xác minh, điều tra, bắt giữ, dẫn giải, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội mua bán người và giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán./.