(Baonghean) - Giản dị, khiêm nhường, giàu nghị lực và luôn đau đáu với sự nghiệp “trồng người” là điều mà tôi cảm nhận ở thầy giáo cao niên Hoàng Đức Kỳ- người con của miền đất học Khánh Quang, xã Châu Quang (Quỳ Hợp). Trong câu chuyện, thật vui khi biết suốt nhiều năm qua, thầy Kỳ luôn xem Báo Nghệ An là người bạn đồng hành...

Sinh năm 1950, ở miền quê Hưng Khánh (Hưng Nguyên), 13 tuổi Hoàng Đức Kỳ cùng gia đình khăn gói lên xây dựng quê mới ở miền Khủn Tinh (Quỳ Hợp). Đất nước chiến tranh, quê mới lạ người, lạ cảnh, thiếu thốn trăm bề nhưng khát vọng học chữ thì luôn bùng cháy trong cậu bé nghèo giàu nghị lực. Mọi chuyện có lẽ đã đỡ gian nan hơn nếu như năm 17 tuổi, cậu không bị một tai nạn. Hậu quả là Kỳ đã vĩnh viễn mất đi cánh tay phải cầm bút mỗi buổi đến trường, cánh tay thuận đỡ đần mẹ cha việc ruộng đồng, nương rẫy...

Những tưởng cánh cửa giảng đường đã vĩnh viễn đóng lại, nhưng không, Hoàng Đức Kỳ không đầu hàng số phận. Khi vết thương vừa lên da non, ngày lại ngày anh hì hục tập viết tay trái, rưng rưng nước mắt hứa với bố mẹ, con sẽ là giáo viên cho thỏa mơ ước bao ngày. Kỳ cứ thế vượt lên số phận trong tình thương bao la của bố mẹ, người thân và sự ngưỡng mộ của bạn bè. Và thế là, cánh cửa giảng đường đã rộng mở khi câụ thi đậu vào khoa Văn, Trường ĐHSP Vinh. Sau những năm miệt mài đèn sách, năm 1975, Hoàng Đức Kỳ tốt nghiệp, và anh tình nguyện về công tác tại quê hương.
 
Câu chuyện giữa tôi và người thầy giáo đáng kính cứ thế lay gọi miền ký ức. 35 năm gắn bó với giáo dục, dấu chân của thầy giáo Kỳ đã hằn in khắp nẻo đường về những miền Mường Ham, Thái Học, Mường Choọng... Vui cùng niềm vui học trò đỗ đạt nên người, và đau đáu lo đến mất ăn, mất ngủ khi học trò bỏ học giữa chừng. 
 
Nghị lực và khát vọng học chữ của người cha mẫu mực đã lan tỏa, thấm đẫm nếp nhà đạm bạc. Không ai bảo ai, cả 4 người con của thầy đều chăm chỉ học hành và học rất giỏi. Khi các con đang lần lượt bước vào giảng đường đại học thì một lần nữa tai họa lại giáng xuống gia đình. Năm 2005, người vợ đảm của thầy đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Nén nỗi niềm riêng, thầy lại gồng mình làm chỗ dựa cho các con, tự nhủ khó khăn mấy cũng không để các con dang dở hành trình. Không phụ công bố, vượt lên mất mát, gian nan, cả 4 người con đều lần lượt tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi và sớm tìm được việc làm ổn định.
 
images869277_thay_hoang_duc_ky_ben_trang_bao_nghe_an.jpgThầy giáo Hoàng Đức Kỳ.
 
Trong căn nhà đơn sơ, tôi bắt gặp Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy hiệu 30 năm tuổi đảng cùng  rất nhiều giấy khen, bằng khen... Và, bên cạnh đó là những số Báo Nghệ An cũ và mới. Thầy tâm sự, đã từ lâu lắm rồi Báo Nghệ An đối với thầy là món ăn tinh thần không thể thiếu. Những ngày còn đi dạy ở Thái Học, thầy đã dõi theo từng trang Báo Nghệ An. Trải những biến cố gia đình đầy gian nan, tờ báo vẫn luôn được thầy chờ mong, đón đọc. Chính Báo Nghệ An đã giúp thầy cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức, những tấm gương người tốt, việc tốt đã tiếp thêm nghị lực cho tâm niệm vượt khó để con nên người...
 
Năm 2010, vừa cầm quyết định nghỉ hưu, thầy giáo Hoàng Đức Kỳ lại được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ xóm Khánh Quang. Báo Nghệ An giờ đây đều đặn đến với thầy mỗi ngày. Ngoài việc đọc như một nhu cầu tự thân, thầy còn lo chắt lọc để truyền lại cho bà con, đảng viên trong chi bộ. Những thông tin bổ ích trên báo thường được sưu tập, rồi đọc cho mọi người nghe trong những lần sinh hoạt chi bộ, những lần họp xóm. Thầy tâm sự, thật vui khi thấy báo đảng tỉnh nhà ngày càng hấp dẫn hơn cả về nội dung và hình thức. Cùng với việc chuyển tải các chủ trương, chính sách, Báo Nghệ An đang làm tốt vai trò là tiếng nói của nhân dân, đề cao những giá trị nhân văn và mạnh dạn đề cập những vấn đề “nóng” trong cuộc sống thường ngày!   
 
Cao Duy Thái