Vụ Xuân năm nay, gia đình ông Cao Văn Tài (xóm 2, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu) trồng 7 sào dưa hấu, trong đó có 3 sào trồng sớm hơn 15 ngày. Bắt đầu xuống giống từ tháng Giêng âm lịch, đầu tư gần 1,5 triệu đồng từ tiền làm đất, giống, phân bón và sau gần 3 tháng chăm sóc, đến đầu tháng 4 cho thu hoạch. Năm nay, các trà dưa của ông Tài đều cho năng suất vượt trội với 1,6 tấn/sào, dưa quả to, dài, vỏ mọng và độ đường đạt chuẩn. Do đó, giá bán khá cao, đầu vụ là 8.000 đồng/kg, nay là 7.000 đồng/kg.
Ông Tài cho biết: “So với năm ngoái, giá dưa hấu tăng gấp đôi, thu hái chừng nào thương lái thu mua hết chừng đó. Vụ Xuân năm nay, 1 sào dưa cho thu nhập gần 11 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lãi 8-9 triệu đồng”.
Toàn xã Diễn Thành có 20ha dưa hấu vụ Xuân, trong đó, có 10ha đã cho thu hoạch. Bà Thái Thị Lam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Thành cho biết: “Mặc dù thời tiết bất lợi, mưa nhiều song năm nay, dưa lại được mùa. Đặc biệt, nếu như năm ngoái, dưa ùn ứ, ế ẩm, phải kêu gọi “giải cứu” thì năm nay, những trà dưa thu hoạch sớm được thương lái thu mua giá cao, người dân lãi đậm”.
Là địa phương trồng dưa hấu nhiều nhất huyện Nam Đàn, toàn xã Thượng Tân Lộc năm nay xuống giống gần 200ha dưa, hiện đã có hơn 20ha cho thu hoạch.
Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc HTX Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) cho biết: “Khác với năm 2021, dưa vừa mất mùa, vừa mất giá thì năm nay, dưa hấu vừa được mùa, được giá. Ở Thượng Tân Lộc, dưa đạt năng suất 1,3-1,5 tấn/sào. Giá thương lái thu mua hiện tại dù đã giảm 1.000-2.000 đồng/kg còn 6.000-7.000 đồng/kg so với đầu vụ nhưng tính ra, mỗi sào người dân “bỏ túi” 7-8 triệu tiền lãi, thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng ngô hay lạc, đậu”.
Những ngày này, xe trọng tải lớn của thương lái thu mua dưa từ các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh… ùn ùn đổ về các cánh đồng dưa hấu ở “thủ phủ” dưa Nghĩa Đànđể thu mua và chuyển đi tiêu thụ khắp nơi. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các địa phương như: Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình, Nghĩa Phú…
So với các địa phương khác thì người dân Nghĩa Đàn xuống giống sớm hơn 15 ngày, hiện đang rộ thu hoạch. Để tránh tình trạng “cung” vượt quá “cầu” trong cùng một thời điểm nên người dân đã xuống giống theo hình thức cuốn chiếu, vừa sớm hơn các địa phương khác trong tỉnh và mỗi hộ, trên các trà ruộng của mình cũng luân phiên, xuống giống cách nhau từ 15-20 ngày, thu hoạch, bán hết trà này thì trà khác mới vào vụ thu hoạch.
Anh Trần Dũng, một thương lái thu mua dưa ở Nghĩa Đàn cho biết: “Năm nay, dù Trung Quốc đang “đóng biên” song thị trường trong nước lại rất rộng mở. Dưa tiêu thụ nhanh, bán với giá cao khi các khu du lịch mở cửa đón khách, nhà hàng khách sạn hoạt động trở lại, các hoạt động như liên hoan, cưới hỏi… được “bình thường hóa” nên nhu cầu tăng mạnh. Để có dưa cung ứng ra thị trường, chúng tôi đến xem dưa và đặt cọc trước cho chủ ruộng, đến ngày sẽ cắt bán. Đặc biệt, dưa năm nay mẫu mã đẹp, chất lượng cũng cao hơn mọi năm nên rất dễ bán. Trong vòng 15 ngày qua, hàng nghìn tấn dưa đã được xuất bán thị trường nội địa”.
Đặc biệt, với cách trồng gối vụ nên bà con nông dân có thu hoạch liên tục, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó, người dân có thu nhập. Đây chính là động lực để người dân sau khi thu hoạch lứa dưa này, bà con sẽ tập trung làm giống để trồng dưa hè thu.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, những trà dưa vụ Xuân muộn như Nghi Long (Nghi Lộc), Thượng Tân Lộc (Nam Đàn)… do ảnh hưởng của đợt mưa bất thường từ ngày 15/5 nên nhiều diện tích dưa ngập nước. Sau đó, nắng lên làm héo cây, thối rễ; một số diện tích quả non bị dập, hư hại, năng suất dư vì vậy giảm 20-30% so với các trà dưa chín sớm.