(Baonghean.vn) - Đi trên quốc lộ 46, người ta có thể nhìn thấy một dòng chữ lớn tạc trên núi Voi ở xã Nam Tân, Nam Đàn. Ít ai biết rằng dòng chữ này đã xuất hiện từ 70 năm về trước.

Núi Voi thuộc dãy Thiên Nhẫn – một trong 3 dãy núi lớn ở huyện Nam Đàn (Đại Huệ, Hùng Sơn, Thiên Nhẫn). Núi có hình dáng như một con voi đang nằm, đầu hướng về núi Đụn, vòi thả xuống sông Lam, nên từ xa xưa người dân nơi đây gọi là núi Voi. Hiện, chân núi Voi là địa bàn quần cư của các xóm 3,4,5,6 xã Nam Tân.

images1905141_bna_591d677405cbc.jpgDòng chữ tạc khắc trên núi Voi ở Nam Tân, Nam Đàn.

Điều đặc biệt là trên sườn Bắc của núi Voi, vẫn còn dòng chữ lớn được tạc khắc vào những năm kháng chiến, thể hiện tình cảm của quân và dân ta đối với Bác Hồ. Theo các cụ cao niên ở xã Nam Tân kể lại, trong thời kỳ cao điểm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để thể hiện tình cảm đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng như quyết tâm đánh Pháp, một đơn vị bộ đội đóng tại huyện Nam Đàn phối hợp với đoàn viên, thanh niên địa phương và thầy - trò trường THCS Tân Lộc đã khắc lên núi Voi dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”.  

35 năm sau, năm 1972, khi Bác Hồ đã mất, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, Đảng ủy xã Nam Tân quyết định sửa lại dòng chữ trên núi Voi và giao cho trường cấp 2 xã Nam Tân thực hiện. Dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” được sửa thành “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” và tồn tại cho đến ngày nay.

Cụ Hồ Sỹ Phúc (80 tuổi) ở xóm 4 xã Nam Anh, từng công tác tại trường cấp 2 Nam Tân giai đoạn 1970 – 1979 cho biết, lúc đó, trường đóng dưới chân núi, cụ cùng với một số giáo viên và học sinh trong trường đã đảm nhận việc khắc lại dòng chữ này. 

Cụ Phúc kể: Sau khi thống nhất về ý tưởng, tôi với thầy Nguyễn Đình Xuân quê xã Xuân Hòa lên núi đo đạc, đầu tiên định dịch dòng chữ này chạy ngược về phía núi Đụn cho cân xứng, nhưng do địa hình không thuận lợi nên quyết định tạc khắc đúng vào vị trí như bây giờ. Hàng ngày, buổi sáng bận dạy - học, buổi chiều, thầy trò mới lên núi, chủ yếu là huy động các em học sinh khối 7 – khối cuối cấp, mỗi buổi từ 10 – 20 em. 

45 năm đã trôi qua, cụ Phúc cũng không nhớ cụ thể là “thi công” bao nhiêu ngày thì xong, chỉ nhớ là làm vào mùa Đông năm 1972, chữ rất lớn, mỗi nét chữ có chiều ngang khoảng 1m, chiều cao là 6 - 7 mét. Học sinh cứ dùng cuốc đào hết cỏ trên mỗi ô chữ, rồi rắc vôi bột vào, cả dòng chữ hết hàng tạ vôi bột.

Bà Trần Thị Xuân (61 tuổi) ở xóm 4 xã Nam Tân, nhà dưới chân núi Voi, từng tham gia khắc dòng chữ này nhớ lại: “Hồi đó, tôi học lớp 7, là đoàn viên nên được điều động đi khắc chữ trên núi Voi. Năm ấy, chưa có đường lên núi như bây giờ, cả thầy lẫn trò cứ men theo triền núi mà đi, làm trong nhiều ngày và đông vui lắm”. 

Công trình hoàn thành, ai cũng phấn khởi. Dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” nổi bật trên nền xanh của núi Voi, đứng bên này sông Lam vẫn thấy rõ. Lúc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc để ký hiệp định Pari, huyện Nam Đàn đã treo trên đỉnh núi Voi một lá cờ lớn, tung bay phấp phới trên hàng chữ này.

Nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, Huyện đoàn Nam Đàn triển khai kế hoạch tôn tạo, xây dựng lại dòng chữ vào giữa tháng 3/2017. Công trình do Huyện đoàn Nam Đàn làm chủ đầu tư huy động từ nguồn vốn xã hội hóa. Dòng chữ được thiết kế đổ bê tông cốt thép, lát gạch men trắng với kích thước nét chữ rộng 2 m cao hơn 9 m, dự kiến hoàn thành vào dịp lễ Quốc khánh  2017.

Chị Nguyễn Thị Đức Minh, Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Đàn khẳng định: “Đây là dòng chữ đặc biệt, có ý nghĩa  lịch sử và nhân văn sâu sắc. Việc xây dựng, tôn tạo dòng chữ trên núi Voi vừa là tình cảm đối với Bác Hồ, vừa nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước”.

                                                                                       Huy Thư

TIN LIÊN QUAN