Hơn 900.000 mô hình “Dân vận khéo”.
bna__mai_hoa_21068897_31122020.jpgSáng 31/12, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, tổng kết công tác dân vận năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tham gia tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Ảnh: Mai Hoa

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong nhiệm kỳ, trên cơ sở tham mưu của Ban Dân vận Trung ương, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác dân vận; tiếp tục khẳng định quan điểm, đường lối của Đảng và tầm quan trọng của công tác dân vận.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp được tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng; gắn với công tác dân vận với chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống văn hóa mới, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chăm lo xóa đói, giảm nghèo…

Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Nguyễn Mạnh Khôi - Phó trưởng ban Thường trực ban Dân vận Tỉnh ủy. Ảnh: Mai Hoa

MTTQ và các tổ chức cũng phát huy tốt vai trò tập hợp quyền làm chủ của Nhân dân tham gia góp ý, phản biện vào các chủ trương, chính sách cũng như giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Công tác nắm tình hình có nhiều đổi mới, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó tham mưu các biện pháp, giải pháp xử lý hiệu quả.

Phong trào “Dân vận khéo” được cả hệ thống chính trị quan tâm triển khai trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa; phòng chống các tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong vòng 10 năm, cả nước đã phát hiện, giới thiệu hơn 900.000 mô hình “Dân vận khéo”.

Phong trào "Dân vận khéo" của MTTQ huyện Quỳnh Lưu đã góp phần đưa nhiều xã về đích nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh những kết quả tích cực, thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng nêu lên một số hạn chế trong công tác dân vận. Cụ thể là vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan nhà nước chưa nhận thức đầy đủ vai trò công tác dân vận.

Một số nơi chưa coi trọng việc lấy ý kiến Nhân dân khi ban hành chủ trương, chính sách; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và những vấn đề bức xúc chưa được tập trung quyết liệt. Một số nơi phân công cán bộ phụ trách công tác dân chưa đáp ứng yêu cầu.

Kiên quyết không bố trí cán bộ yếu kém làm công tác dân vận

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chia sẻ những thành công, thành tựu của đất nước trong 5 năm qua và trong năm 2020; đồng thời khẳng định một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công đó chính là công tác dân vận của cả hệ thống chính trị.

Nhấn mạnh về tình hình thế giới và trong nước đang đặt ra những thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn đan xen; đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa; cần tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của cấp ủy trong công tác dân vận theo hướng đổi mới thiết thực gắn với cuộc sống của Nhân dân; lấy cuộc sống, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Trần Quốc Vượng thăm và làm việc với Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu Thành Cường

Làm tốt công tác dân vận chính là góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích của Nhân dân; đồng thời phải động viên Nhân dân tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Chú trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, dân vận chính quyền, trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính thực chất, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy tốt vai trò tham gia của Nhân dân trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật; giải quyết hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân gắn với lợi ích của đất nước.

Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu sửa đổi quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; tiếp tục củng cố cơ chế phối hợp liên ngành để tăng cường trách nhiệm, hành động thống nhất, đạt hiệu quả cao nhất trong công tác dân vận.

Làm công tác dân vận phải thực chất, thực lòng với dân, làm trong trái tim của mình với tinh thần vì Nhân dân. Tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sát thực tiễn, có tính thuyết phục cao, phù hợp với trình độ phát triển, tâm lý, nhận thức của Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Các cấp ủy cần chú trọng đào tạo, lựa chọn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể; kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu giương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận.