1. Ukraine liên tưởng Dòng chảy phương Bắc 2 với nguy cơ tấn công quy mô lớn từ Nga
Việc đưa đường ống dẫn khí đốt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vào hoạt động có thể dẫn tới một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Nga nhằm vào Ukraine.
Tuyên bố trên được Chủ tịch Quốc hội Ukraine (Verkhovnaya Rada) Andrei Parubiy đưa ra trong một cuộc thảo luận bàn tròn về đề tài "Cải cách hệ thống an ninh quốc gia Ukraine - vai trò của Quốc hội".
"Việc thực hiện dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, theo tôi, là một ý định hiếu chiến, mong muốn của Liên bang Nga, của Putin và tùy tùng của ông ta nhằm gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nước liên minh châu Âu EU, có thể mang đến các mối đe dọa quân sự trực tiếp dẫn đến cuộc tấn công toàn diện mới của quân đội Nga tới Ukraine", hãng tin UNIAN của Ukraine trích dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Ukraine.
2. Mỹ đối thoại bí mật với Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nguồn: Reuters/jpost Sputniknews đưa tin, ngày 7/4, kênh CNN đưa tin Mỹ và Triều Tiên đang tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp và bí mật ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
CNN cho biết Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đồng thời là người sắp đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo cùng đội ngũ phụ tá đang làm việc với phía Triều Tiên thông qua các kênh tình báo để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh.
Theo CNN, giới chức tình báo Mỹ và Triều Tiên thậm chí đã tổ chức một cuộc gặp ở nước thứ ba để thảo luận về địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh; trong đó, phía Triều Tiên muốn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Bình Nhưỡng. Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ cũng được coi là một địa điểm có thể diễn ra cuộc gặp.
3. Anh muốn đưa cựu điệp viên Nga bị đầu độc tới Mỹ để ổn định cuộc sống
Điệp viên Sergei Skripal và con gái. Nguồn: dailymail.co.uk Theo Reuters, báo Sunday Times của Anh đưa tin London đang cân nhắc việc cung cấp cho cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cùng con gái Yulia thân phận mới và một cuộc sống mới tại Mỹ, nhằm bảo vệ họ khỏi các âm mưu ám sát.
Sunday Times cho biết cơ quan tình báo MI6 đã thảo luận với Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ về việc ổn định cuộc sống cho cựu điệp viên Skripal cùng con gái - những nạn nhân trong vụ đầu độc tại thành phố Salisbury hồi tháng trước.
Các nguồn tin của Sunday Times cho rằng London muốn đảm bảo sự an toàn cho hai bố con Skripal bằng cách ổn định cuộc sống cho họ tại một trong những quốc gia thuộc liên minh chia sẻ tình báo “năm đôi mắt” (gồm Mỹ, Canada, Australia, Anh và New Zealand).
4. Đụng độ liên quan vụ bắt giữ cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva
Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva. Nguồn: AP Ít nhất 9 người đã bị thương trong các vụ đụng độ liên quan việc bắt giữ cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva, người vừa chấp hành lệnh bắt giữ để thi hành án. Các cơ quan an ninh Brazil ngày 8/4 cho biết các vụ đụng độ xảy ra gần tòa nhà trụ sở cảnh sát liên bang tại thành phố Curitiba, miền Nam Brazil, nơi sẽ giam giữ ông Silva.
Chiều 7/4, cảnh sát Brazil đã phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông người biểu tình tập trung tại thành phố Curitiba để phản đối việc bắt giữ ông Silva. Những người biểu tình đã bắn nhiều loạt pháo hoa, khiến khu vực xung quanh cơ sở trên ngập tràn tiếng nổ và khói. Những người ủng hộ ông Silva thậm chí còn cố tình xông vào trụ sở cảnh sát liên bang.
5. Đòn thương mại của Trung Quốc giáng vào người ủng hộ Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo hồi năm 2017. Ảnh: Reuters. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói một cuộc chiến tranh thương mại "là điều tốt và dễ dàng chiến thắng", các quan chức cấp cao đảng Cộng hòa vẫn cảm thấy e ngại những hậu quả mà các biện pháp thuế mới từ Trung Quốc có thể tác động trực tiếp tới những người ủng hộ họ, theo South China Morning Post.
Bắc Kinh hôm 4/4 tuyên bố sẽ tăng 25% thuế đối với 106 mặt hàng Mỹ trị giá 50 tỷ USD, trong đó có đậu nành, thịt lợn và máy bay, nhằm đáp trả kế hoạch của Tổng thống Donald Trump áp thuế lên 1.333 mặt hàng Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh tuyên bố áp thuế lên đậu nành Mỹ gây chú ý bởi đây là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ vào Trung Quốc và sẽ gây ảnh hưởng tới một số vùng nông thôn từng ủng hộ mạnh mẽ ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016, cũng như những nông dân tại các bang có truyền thống bầu cho phe Cộng hòa.
6. Xe tải lao vào đám đông tại Đức, hơn 30 người thương vong
Cảnh sát đang phản ứng với vụ tai nạn. Ảnh: BBC Một số người đã thiệt mạng sau khi một chiếc xe tải lao vào đám đông người đi bộ tại Muenster, phía tây nước Đức hôm 7/4.
Cảnh sát đã yêu cầu mọi người tránh xa trung tâm thành phố trong lúc họ phản ứng với vụ việc.
Vào tháng 12/2016, một chiếc xe tải đã đâm vào đám đông tại một khu chợ Giáng sinh tại thủ đô Berlin, Đức khiến 12 người thiệt mạng.
7. Cháy lớn ở Tháp Trump tại New York, 1 người chết
Lửa bùng lên từ tầng 50. Ảnh: FDNY Sở Cứu hỏa thành phố New York (FDNY) đã huy động hàng chục đơn vị và hơn 120 lính cứu hỏa tới đối phó với một ngọn lửa bùng lên tại tầng 50 của Tháp Trump ở thành phố New York trước 18h ngày 7/4.
Theo Guardian, tòa tháp này từng là nơi ở của ông Donald Trump trước khi đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2016. Hiện gia đình ông đang sống trong Nhà Trắng ở thủ đô Washington. Nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa được xác định.
Sở Cứu hỏa thành phố New York (FDNY) đã nâng mức độ nghiêm trọng của vụ cháy từ cấp độ báo động 2 lên cấp độ báo động 4.
8. 70 người chết trong cuộc tấn công bằng chất độc hóa học ở Syria
Trẻ em được cấp cứu tại một bệnh viện Syria vì vụ tấn công hóa học hôm 8/4. Ảnh: AP. Ngày 8/4, một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh Sarin đã xảy ra tại thị trấn Douma, Syria, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng. Thị trấn Douma là nơi cuối cùng tại vùng Đông Ghouta còn bị chiếm đóng bởi lực lượng đối lập, theo BBC. "Hàng trăm người khác đang gánh chịu hậu quả của vụ tấn công", ông Raed al-Saleh, người đứng đầu tổ chức cứu hộ Mũ bảo hiểm trắng, thông báo trên Twiter.
Trước đó, một chiếc trực thăng được cho là đã thả quả bom mang chất độc thần kinh Sarin xuống thị trấn Douma. Theo Hiệp hội các tổ chức chăm sóc y tế, nhiều người đã được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng như co giật và miệng sủi bọt trắng.
Nhiều tổ chức cứu hộ và y tế khẳng định chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã gây ra vụ tấn công khiến 70 người thiệt mạng. Phản hồi lại cáo buộc trên, giới chức Syria và đồng minh Nga khẳng định cuộc tấn công chỉ là "chuyện thêu dệt". Trong khi đó, Mỹ lên án sự ủng hộ của Nga đã trực tiếp dẫn đến cái chết của 70 người vô tội.