Sáng 17/8, tại TP. Vinh, Nghệ An, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung bộ (BTB) giai đoạn 2010 -2020.
Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; Lê Đình Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; đại diện các cơ quan của Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, cùng lãnh đạo UBND, đại diện 17 tỉnh, thành khu vực đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bộ (ĐBSH và BTB).
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Hội tụ những điểm sáng nhất về xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vùng ĐBSH và BTB không chỉ đạt và vượt mục tiêu đề ra, mà các nội dung xây dựng nông thôn mới đã ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới sự bền vững.
Đây cũng là vùng hội tụ những điểm sáng nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước trong những năm qua, là nơi khởi nguồn cho việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc tổng kết tại vùng ĐBSH và BTB có ý nghĩa hết sức quan trọng cho Tổng kết quốc gia 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian tới.Xây dựng nông thôn vùng đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ có những điển hình cần nhân rộng
Vì đây là vùng rất đặc biệt, rất đặc trưng và rất đặc thù. Toàn vùng có 11 tỉnh đại diện cho vùng đồng bằng, 6 tỉnh Bắc Trung bộ, có khu vực miền núi. Toàn vùng cũng có tỉnh rộng nhất, nhỏ nhất toàn quốc, có thủ đô Hà Nội. Do đó việc tổng kết toàn vùng sẽ góp phần rút ra bức tranh chung cả nước, góp phần phục vụ tổng kết cả nước và đề ra nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn 2021 -2025.
Đến hết tháng 7/2019, vùng ĐBSH và BTB đã có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước), cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Trong vùng đã có 12/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 9/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đã ban hành tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã phát biểu, chia sẻ 5 nguyên tắc xây dựng nông thôn mới của Nghệ An, đồng thời khẳng định sau 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới đã đem lại một diện mạo mới, sức sống mới cho khu vực nông thôn Nghệ An.Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh 5 nguyên tắc trong xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An
Đến nay, Nghệ An đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; 226/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã thuộc huyện nghèo 30a, 2 xã biên giới và 30 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,64 tiêu chí/xã; 667 thôn/bản đạt chuẩn Nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh.
Từ năm 2015, Nghệ An lựa chọn 3 xã: Kim Liên (huyện Nam Đàn), Sơn Thành (huyện Yên Thành) và Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) để tập trung chỉ đạo thí điểm xây dựng xã Nông thôn mới kiễu mẫu. Năm 2019, huyện Nam Đàn được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn là 1 trong 4 huyện của cả nước thí điểm xây dựng Nông thôn mới kiễu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSH và BTB; đề xuất định hướng và giải pháp tập trung thực hiện giai đoạn sau năm 2020; báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát về thực tiễn xây dựng nông thôn mới toàn vùng và kiến nghị một số định hướng sau năm 2020.
Các đại biểu đại diện Bộ, ngành, tỉnh, thành cũng đã có phát biểu tham luận chia sẻ những kinh nghiệm, kiến nghị trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đại diện lãnh đạo huyện Nam Đàn trình bày tham luận về đánh giá hiệu quả bước đầu triển khai thực hiện Đề án Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 - 2025.
Tiếp tục quán triệt quan điểm “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”, mục tiêu đến năm 2025, vùng ĐBSH và BTB có ít nhất 8/17 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Vùng ĐBSH có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; vùng BTB có ít nhất 30%đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Toàn vùng có ít nhất 9 huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, toàn vùng có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và khoảng 7,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu….
Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả xây dựng nông thôn mới của vùng ĐBSH và BTB rất ấn tượng và toàn diện. Tốc độ xây dựng nông thôn mới, vùng ĐBSH đứng đầu, BTB đứng thứ 3 cả nước.
Nông thôn mới đã tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo.
Qua hội nghị tổng kết vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị từng địa phương trong vùng rà soát lại, so sánh với kết quả tổng kết toàn vùng, của các tỉnh, huyện, xã khác để phát huy kết quả làm được, khắc phục những tồn đọng.
Đặc biệt, các tỉnh phải đánh giá, để phát huy tốt quan điểm lấy người dân làm chủ thể, nhưng không được huy động sức dân quá sức, mà phải trên tinh thần tự nguyện, hợp lòng dân; đồng thời đề xuất các cơ chế khác để huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Video trích phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Clip Lâm Tùng |
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, từng tỉnh, huyện, xã phải tiếp tục phấn đấu để có kết quả xây dựng nông thôn mới cao nhất năm 2020, không được chủ quan, thỏa mãn; đồng thời cần chú ý công tác xem xét, thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên tinh thần không chạy theo thành tích mà phải đi vào thực chất. Đo lường kết quả đạt được là mức độ hài lòng của người dân.
Bộ NN&PTNT trên cơ sở tổng kết từng vùng để chuẩn bị tốt việc xây dựng tiêu chí, cơ chế xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo như: mục tiêu chung cho cả nước, cho từng vùng; tiêu chí; cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá; cơ chế động viên, khen thưởng…
Vùng ĐBSH và BTB bao gồm Thủ đô Hà Nội và 16 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích 72.371,4 km2(chiếm 21,85% diện tích cả nước), dân số khoảng 31.685.300 người(chiếm 34,18% dân số cả nước, năm 2017).