(Baonghean.vn) - Lấy nhau từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước; cùng nhau nuôi nấng 3 người con trưởng thành... nhưng hai vợ chồng chưa hề biết mặt nhau. Đó là câu chuyện của hai vợ chồng thương binh ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An.

Năm 1969, bà Cao Thị Hải ( SN 1952) từ quê nghèo Diễn Thọ - Diễn Châu viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Cuối năm 1970, bà Hải bị thương ở chiến trường Quảng Trị , trở về với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 100%, đầu bị hàng chục vết thương, mất 14 răng hàm trên, thêm một mảnh đạn cắm sâu vào giữa cổ, khớp háng cũng bị gãy.

Còn ông Đào Xuân Tình (SN 1952), một người con của xã Thạch Đài (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam vào những năm 1972 - 1975 sau đó tham gia chiến tranh biên giới Campuchia vào năm 1977. Sau một trận truy kích lính Pôn Pốt vào năm 1978, trở về hậu cứ với thương tật 96%, mất tay trái và mù hai mắt.

images1951654_dt_mu_.jpgSống với nhau gần 40 năm, có với nhau 3 người con và 5 người cháu nhưng ông bà chưa hề thấy mặt nhau. Ảnh: Thành Cường

Qua một thời gian dài vật lộn với thần chết, hai con người ấy đã gặp nhau và nên duyên tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An vào năm 1980.

Mới đầu khi quyết định đến với nhau cũng có nhiều người ái ngại, lo lắng cho cuộc sống sau này của hai vợ chồng mù nên khuyên nhủ họ cân nhắc suy nghĩ. Nhưng bằng tình yêu thương chân thành và quyết tâm đến với nhau nên gia đình hai bên đã tổ chức đám cưới cho ông Tình bà Hải vào đầu năm 1980 ở xã Diễn Thọ.

"Trước khi cưới, sinh hoạt thường nhật của hai vợ chồng đều có anh chị em nhân viên trong Trung tâm hỗ trợ thêm, nhưng cưới nhau xong hai người phải tự làm lấy tất cả, hàng trăm mối lo đè nặng lên đôi vai, nhất là khi vợ tôi có thai cháu đầu" - ông Hải kể lại.

Hàng ngày ông phải đi xách nước ở giếng khơi về để tưới rau và dùng trong sinh hoạt. Tay cầm xô quờ quạng đi lấy nước, có khi dọc đường bị ngã đổ hết nước phải quay lại lấy đến ba bốn lần, hay có những khi lạc đường phải lần theo dây thép gai đến toạc tay chảy máu mới về đến nhà. Thế rồi, để mỗi lần ông đi xách nước biết đường tìm về nhà, bà Hải lại phải ngồi cầm que gõ vào cửa sau giúp ông định hướng.

Dù bị mù hai mắt nhưng đồ dùng trong nhà hỏng hóc đều do một tay ông sửa chữa. Trong ảnh ông Đào Xuân Tình đang chăm chút con cu gáy do người con rể tặng. Ảnh: Thành Cường.

Cuối năm 1981, vợ chồng ông mừng rơi nước mắt khi Đào Đình Quân -  con trai đầu lòng chào đời. Thế nhưng, bao nhiêu khó khăn lại ập đến. Vợ ông Tình không có sữa nên tất cả sữa hộp được cấp phát cho bố mẹ đều dành cho cháu. Đôi tay thay đôi mắt, vợ chồng thương binh mù cố gắng chăm sóc nhưng con cứ còi cọc khiến ông bà ăn không ngon ngủ không yên.

“Cứ mỗi lần cho cháu ăn mắt mũi của cháu nhiều thức ăn hơn miệng"  bà Hải kể. Vì một tay bà phải ôm chặt lấy đầu, một tay sờ tìm miệng bé Quân để đút thức ăn.

Đến năm 1983 và 1986 hai người con tên Đào Bích Hải và Đào Thị Ngọc Bích lần lượt ra đời. Có thêm người, thêm miệng ăn trong nhà, chỉ dựa vào đồng trợ cấp thương tật ít ỏi của hai vợ chồng nên cuộc sống vốn đã khó lại thêm khó khăn hơn.

"Khi đó hai vợ chồng bàn nhau nhờ người thân gửi hạt giống vào, rào vườn cuốc đất trồng rau; còn ông nhờ người thân ở Hà Tĩnh ra làm chuồng để mỗi năm nuôi thêm vài lứa lợn. Hàng ngày cháu Quân cầm tay dẫn tôi ra vườn tưới rau, rồi tuần hai ba lần cha con lại dắt nhau ra chợ Cọi bán. Chắt chiu dành dụm mãi rồi khó khăn dần cũng qua" - ông Tình kể lại.

"Ba anh em nó lớn lên từ tám chiếc tã cắt từ tấm vải của anh chị trong Trung tâm tặng ngày sinh cháu Quân. Đến nay, mỗi đứa đều có gia đình riêng, công việc ổn định và còn sinh cho vợ chồng tôi 5 đứa cháu ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Dù khó khăn nhưng các cháu đều chăm ngoan, vâng lời, chăm lo học hành là điều chúng tôi tự hào và hạnh phúc nhất".

Thành Cường

TIN LIÊN QUAN