(Baonghean) - Đường lên trận địa dài hàng km, lởm chởm những hố bom, vết đạn, trên đầu thi thoảng máy bay địch gầm rú, nhưng người anh nuôi Nguyễn Văn Mão vẫn thoăn thoắt gánh trên vai 2 nồi cơm nặng trĩu để tiếp tế cho đồng đội. Suốt 10 năm chiến đấu, ông không nhớ nổi mình bị thương bao nhiêu lần.
Là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nghỉ hưu từ 30 năm nay, ông Nguyễn Văn Mão xóm 5 xã Xuân Hòa Nam Đàn vẫn làm việc không ngơi nghỉ mặc dù đã ở tuổi 78. Gia đình ông Mão có một trang trại nhỏ ở sát cánh đồng, sáng sớm, ông lại đạp chiếc xe cà tàng với lỉnh kỉnh nông cụ ra đồng làm việc.
Dường như, công việc anh nuôi trong những năm tháng quân ngũ đã “ăn vào máu” người cựu chiến binh này. “Mình làm việc cũng vừa tập thể dục luôn” - ông Mão xởi lởi.
Ngồi xuống cạnh những luống rau xanh tốt, ông Mão kể, đầu năm 1965, ông lên đường nhập ngũ. Lúc đó, người vợ trẻ của ông đang mang bầu đứa con đầu lòng. Ông được điều động vào Đại đội pháo cao xạ, thuộc Trung đoàn 214, lúc này đang chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên. Đại đội có nhiệm vụ bảo vệ những công trình giao thông trọng yếu và những chuyến hàng.
Về đơn vị chưa được hai ngày, còn chưa kịp làm quen với cuộc sống quân ngũ, binh nhì Nguyễn Văn Mão đã phải trực tiếp đối mặt với máy bay Mỹ. Khẩu đội trưởng giao cho anh nhiệm vụ chuyển đạn.
Nguyễn Văn Mão chạy thoăn thoắt, không để đồng đội thiếu một viên. Đạn bị dính bẩn, Mão cởi áo của mình ra lau. Ông tiếp tế đủ đạn cho khẩu đội mình, rồi chuyển thêm đạn cho khẩu đội bạn... Chỉ ít tháng đầu ra chiến trận, binh nhì Nguyễn Văn Mão đã gây ấn tượng với cả đơn vị bằng sự nhanh nhẹn, nhiệt tình và gan dạ.
“Khoảng cuối năm đó, đại đội tôi nhận loại pháo mới và được điều lên bố trí chốt ở đỉnh đèo, mức ăn của đơn vị kém hẳn, sức khỏe của các pháo thủ giảm sút trông thấy. Đơn vị nhận thấy cần phải chọn trong đội ngũ đảng viên một đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao, có đủ sức khỏe để ngày ngày đưa cơm lên trận địa trên đỉnh đồi” - ông Mão kể.
Sau khi bàn bạc, lãnh đạo đơn vị quyết định đặt trọng trách này lên vai binh nhì Nguyễn Văn Mão. Từ đó, Nguyễn Văn Mão bắt đầu lập nên những chiến công trên “mặt trận hậu cần”. Giờ nhớ lại, ông Mão bảo vẫn còn thấy thú vị vì thời điểm nhận nhiệm vụ hậu cần, ông vẫn chưa hề biết nấu ăn. Thế là, trong những giờ phút ngơi nghỉ hiếm hoi, ông thường phải nhờ đồng đội dạy mình nấu nướng.
Ông Mão kể, ban đầu, nhiệm vụ chính của ông là vận chuyển cơm nước cho đồng đội. Dọc đường lên trận địa dài 3km, lởm chởm những hố bom, vết đạn, nhiều hôm, trên đầu máy bay địch gầm rú, những đoạn dốc dựng đứng, ông vẫn thoăn thoắt quảy gánh cơm nặng trĩu, bước phăng phăng lên đồi. “Mỗi ngày tôi gánh cơm 3 lần vào sáng, trưa và tối. Còn nước thì phải gánh liên tục cho anh em, vì ở trận địa nắng nóng. Mỗi chuyến tôi gánh được 4 thùng nước, nặng gần một tạ.
Mình được cái sức khỏe trời phú” - ông Mão cười nói. Làm anh nuôi được nửa tháng, binh nhì Mão đã phát hiện được nhiều nguồn thực phẩm mới. Ông thường đẩy thuyền dọc bờ sông tìm rau ngon, cá tươi. Chất lượng bữa ăn của đơn vị vì thế mỗi ngày một khá hơn. Mỗi lần đi tiếp phẩm, ông còn cố tìm cách học nấu một món ăn địa phương từ các đơn vị bạn. Thương đồng đội, ông Mão thường nghĩ cách san sẻ công việc.
Ông tìm xem mỗi ngày nhà bếp tiêu thụ mất bao nhiêu củi, lượng sức mình, mỗi khi gánh bát, đĩa xuống núi cọ rửa, ông có thể chở thêm vài chục kg củi. Mỗi ngày, ông đưa được gần một tạ củi từ trên đồi cao xuống bếp. Nhiều hôm, anh nuôi Nguyễn Văn Mão quên ngủ, cố lo cho đơn vị có những bữa cơm ngon. Làm anh nuôi, nhưng những lúc pháo thủ bị thương, ông làm thay luôn nhiệm vụ của họ.
Kể về những lần bị thương, ông Mão nói rằng, ông không tính nổi đã bao nhiều lần bị bom đạn vùi lấp, nhưng “còn sống là may mắn lắm rồi”. Cuối năm 1966, trong một trận chiến bảo vệ bến phà sông Gianh, một quả bom nổ gần hầm pháo, ông Mão và đồng đội bị vùi kín. Những đồng đội còn lại chưa kịp lao đến cứu, ông đã tự đội đất ngoi lên. Không chút chậm trễ, ông dùng tay đào bới những người còn lại. Các pháo thủ khác chạy đến, Mão xua tay: “Các đồng chí hãy về vị trí, bắn mạnh lên. Một mình tôi làm nhiệm vụ cứu thương đủ rồi”. Đưa đồng đội ra khỏi trận địa, khi trở lại vị trí chiến đấu, ông bị thương lần thứ 2.
Lần này, tai trái ông bị điếc, sức ép của bom cũng làm chân tay ông cứng đờ, ông được chuyển ngay về bệnh viện. “Nằm trong viện nhưng đầu óc tôi vẫn nghĩ đến những việc ở đơn vị. Cứ nhìn thấy đạn pháo bay đầy trời thì lòng sôi sục, tôi xin xuất viện sớm. Năn nỉ mãi bác sỹ cũng cho” - ông Mão kể. Lần đó, đại đội trưởng đọc giấy ra viện của Mão, trong đó có đoạn bác sỹ căn dặn, “mặc dù được xuất viện nhưng phải cho Mão nghỉ công tác ít nhất 10 ngày”.
Vì thế, đơn vị quyết định gửi Mão lên tiểu đoàn để có điều kiện nghỉ ngơi và nhân tiện dự lễ tổ chức trao Huân chương cho anh. Tuy nhiên, lúc nhận lệnh từ đại đội trưởng, tai Mão bị thương, nghe không rõ lại tưởng thủ trưởng chỉ đạo về tiếp tục nhiệm vụ cũ. Thế là người anh nuôi tận tụy ấy lại chạy xuống bếp quảy gánh cơm lên trận địa cho đồng đội…
Trong trận đánh tháng 4/1968, ông Mão được cử làm khẩu đội trưởng. Trong lúc chỉ huy, ông bị sức ép của bom hất văng ra xa, đất đá vùi lấp. Một chân bị kẹp cứng giữa hòm đạn và càng pháo. Cả khẩu đội xúm lại, người đào người bới, người thì khiêng càng pháo. Hì hục suốt nhiều tiếng mới đưa được ông ra khỏi hòm pháo. Tuy nhiên, lúc này chân ông đã bị tụ máu, tê cứng không cử động được.
Dù vậy, ông Mão không chịu dùng cáng mà nằng nặc đòi tự mình bò ra khu vực tập kết của thương binh. “Lần đó tôi vào viện mất 3 tháng, ngoài chân ra còn rụng mất 5 cái răng, phổi cũng bị thương” - ông Mão kể. Tuy nhiên, cũng như những lần trước, nằm trong viện nhưng lòng ông luôn nóng như lửa đốt khi nhận tin về từ chiến trường. Để chóng bình phục, chỉ vài ngày sau khi vào viện, ông tự làm cáng rồi tự tập đi lại, mong sớm được quay trở lại chiến trường.
Với những chiến công của mình, tháng 8/1970, ông Nguyễn Văn Mão lúc bấy giờ đã là thượng sỹ được phong Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày thống nhất đất nước, ông được cử ra miền Bắc học văn hóa, sau đó tiếp tục về công tác tại đơn vị cũ.
Đến năm 1987, ông Mão xuất ngũ sau hơn 22 năm phục vụ với hàng chục Giấy khen, 10 Bằng khen, 2 Huân chương kháng chiến hạng Ba.
Tiến Hùng