Theo quyết định, đối tượng áp dụng để cấp bù chênh lệch lãi suất bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội; các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định trong từng thời kỳ và đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Ngoài ra còn có đối tượng vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100.
Các khoản cho vay được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng theo đúng quy định tại Nghị định số 100.
Ngoài ra phải đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định của pháp luật; là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.
Trường hợp các khoản cho vay (gồm cả gốc và lãi) bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ (trừ trường hợp các khoản cho vay bị rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng được gia hạn nợ theo quy định) thì không được cấp bù chênh lệch lãi suất đối với khoảng thời gian vay bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ.
Trường hợp khách hàng vay vốn đã trả hết phần nợ quá hạn và khoản cho vay được xác định trở lại trạng thái trong hạn (khách hàng trả nợ đúng hạn từ kỳ trả nợ tiếp theo) thì khách hàng tiếp tục được cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định.
Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay chương trình nhà ở theo Nghị định số 100/2015 là 3%/năm, áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
Quyết định của Thủ tướng cũng cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý khi thực hiện cho vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định hiện hành.