Kế hoạch mang tên “Một châu Âu kết nối toàn cầu” được Ngoại trưởng các nước EU thảo luận và thống nhất thông qua trong cuộc họp ngày 12/07 tại Brussels. Trong thông cáo báo chí chính thức, Hội đồng châu Âu tuyên bố, đây là kế hoạch được xây dựng trên nền tảng “Tuyên bố chung về kết nối châu Âu - châu Á năm 2018”, với các nguyên tắc căn bản là việc kết nối phải bền vững, toàn diện và dựa trên luật lệ.
Mặc dù kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu của châu Âu không hề nhắc đến Trung Quốc nhưng giới phân tích nhận định, toàn bộ kế hoạch này là chiến lược mới của châu Âu nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai – Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Phát biểu với báo chí bên lề cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng thẳng thắn thừa nhận điều này: “Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc sử dụng các phương tiện kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Việc than phiền về điều này là vô nghĩa và châu Âu cần phải đưa ra được các đề xuất thay thế. Điều quan trọng nữa là châu Âu cũng cần phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong chiến lược này”.
Việc EU đề ra kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu là một động thái nữa cho thấy, các nước phương Tây đang đẩy mạnh việc cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của sáng kiến “Vành đai – Con đường” mà Trung Quốc triển khai từ nhiều năm qua.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra từ 11-13/06/2021 tại Anh, các nước G7 cũng đã công bố đại kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu mang tên “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) với hứa hẹn huy động hàng chục nghìn tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Đối với EU, khối này đã ký kết các thỏa thuận đối tác chiến lược về giao thông với Nhật Bản và Ấn Độ nhằm tăng cường kết nối trong lĩnh vực giao thông, công nghệ số và năng lượng.
Trong khi đó, sáng kiến "Vành đai-Con đường" của Trung Quốc hiện đã thu hút trên 60 quốc gia tham gia, trong đó có cả một số quốc gia tại châu Âu, làm dấy lên lo ngại của EU về việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này./.