(Baonghean.vn) – Bị liệt đôi chân, gần 30 năm phải nằm một chỗ, nhưng Sầm Thị Giang ở bản Thái cổ Hoa Tiến, Quỳ Châu lại có đôi tay thêu váy khéo léo nổi tiếng vùng thổ cẩm.
Ngay từ khi sinh ra, Sầm Thị Giang đã không được may mắn như bao đứa trẻ khác vì đôi chân bại liệt. Mặc dù được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, nhưng các bác sỹ đều lắc đầu bất lực. Bố mẹ Giang đã gạt mọi nỗi đau để cố gắng vừa làm việc, vừa chăm sóc cô con gái tật nguyền.
Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè cùng trang lứa được cắp sách đến trường, niềm khao khát học con chữ thôi thúc trong lòng Giang. Cô xin bố mẹ cho mình được đi học.
Mẹ Giang, lúc này đang là cô giáo mầm non, vì thương cô con gái thiệt thòi nên hằng ngày bà trở dậy từ rất sớm, cõng con trên lưng vượt quãng đường hơn 3km đi bộ, lội khe để đưa con gái đến trường.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, Giang cũng học hết bậc tiểu học. Dù vẫn muốn được học lên nữa, nhưng thương đôi vai gầy của mẹ và những sợi tóc bạc của cha, Giang đã xin bố mẹ nghỉ học.
Từ ngày nghỉ học, Giang quanh quẩn trên chiếc giường của mình, nghĩ đến ước mơ sau này không thể thực hiện được, lại nhìn vào đôi chân tật nguyền và đôi bàn tay yếu ớt, cô lại khóc.
Thế nhưng nhìn thấy sự vất vả của bố mẹ hằng ngày, tình yêu thương của gia đình và bà con bản làng dành cho khiến Giang suy nghĩ lạc quan, vui vẻ hơn. Giang nghĩ mình còn may mắn hơn bao nhiêu người khi mà đôi tay vẫn còn cử động được, tuy nó không được linh hoạt như những người bình thường, nhưng mình vẫn có thể làm việc gì đó từ đôi bàn tay này.
Bản Hoa Tiến (Châu Tiến) vốn là bản Thái nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Có thể nói nghề dệt và thêu váy Thái là nghề truyền thống của phụ nữ nơi đây. Giang nghĩ mình sẽ bắt đầu làm việc từ đôi tay với nghề thêu váy.
Đôi tay vốn yếu ớt, những ngày đầu cầm kim quả thực vô cùng gian nan với Giang. Những mũi kim nhiều phen đã khiến tay cô rớm máu, nhưng cô quyết không bỏ cuộc.
Giang vừa tập, vừa xoa bóp tay (vì xương cổ tay của Giang rất yếu, cái ngón vốn dĩ lại không được linh hoạt nên rất khó cầm kim). Chỉ 1 năm kiên trì, Giang đã có được những sản phẩm đầu tiên.
Những năm sau đó, khi mà đã quen với công việc thêu thùa, sản phẩm của cô ngày càng nhiều hơn, tinh tế hơn, được nhiều người biết đến và đặt hàng. Giang nói, những năm trước còn khỏe mạnh, ít ốm đau có tháng cô thêu được 3 chân váy Thái, trung bình một chân váy bán được 700 ngàn đồng.
Số tiền kiếm được đó Giang dành phụ giúp bố mẹ nuôi cô em út của lúc đó đang theo học trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Với Giang, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất.
Giờ đây, mặc dù sức khỏe có phần giảm sút, nhưng hằng ngày Giang vẫn cố gắng gắn với cây kim sợi chỉ để hoàn thành sản phẩm cho khách hàng. Hiện tại trung bình cứ 2 tháng cô lại cho ra được từ 3 đến 4 sản phẩm, thu về số tiền gần 3 triệu đồng.
Sản phẩm thêu của Giang được khách hàng đánh giá là những tác phẩm đầy tâm huyết và tinh tế. Chính vì thế, nó chinh phục cả những khách hàng khó tính nhất. Đơn đặt hàng của Giang, vì thế, ngày càng nhiều.
Ngoài làm công việc thêu thùa, những lúc rảnh rỗi, Giang còn giúp các cháu trong gia đình học bài, chơi đùa cùng các cháu, dạy bảo các cháu những điều hay lẽ phải trong cuộc sống.
Có đôi lúc chạnh lòng, Giang cũng mong muốn mình có một gia đình nhỏ, một người chồng và những đứa con. Nhưng rồi, Giang lại lập tức nhắc mình phải thực tế hơn, bằng lòng và yêu quý thực tại.
Nghị lực vượt lên số phận của chị đã trở thành tấm gương sáng không chỉ với bản làng Thái cổ Hoa Tiến này mà còn lan tỏa đến nhiều nơi khi mà những du khách đến thăm làng nghề thổ cẩm, họ biết đến cô gái tật nguyền nhưng đã vượt qua chính mình để sống có ý nghĩa hơn trong xã hội này.
Nga Nga