Quân đội Trung Quốc đang phát triển tàu ngầm không người lái cỡ lớn trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để làm nhiệm vụ trinh sát, rải thủy lôi và tấn công tự sát. Giới nghiên cứu nước này cho rằng chúng có thể thách thức ưu thế của hải quân Mỹ tại các khu vực chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương khi được biên chế đầu thập niên 2020, SCMPngày 23/7 đưa tin.
Tàu ngầm không người lái là một phần trong tham vọng tăng cường sức mạnh hải quân Trung Quốc bằng công nghệ AI. Nước này đã xây dựng cơ sở thử nghiệm tàu mặt nước không người lái lớn nhất thế giới ở Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. Giới nghiên cứu quân sự Trung Quốc cũng phát triển hệ thống hỗ trợ AI cho chỉ huy tàu ngầm, giúp họ xử trí nhanh và chính xác hơn trong các tình huống tác chiến.
Theo các nhà nghiên cứu, tàu ngầm không người lái sẽ phối hợp với các hệ thống vũ khí tự động hoặc có người lái trên không, trên bộ và mặt nước để thực hiện nhiệm vụ hiệp đồng.
Những tàu ngầm này sẽ tự động khởi hành, thực hiện nhiệm vụ và trở về căn cứ mà không có thủy thủ trên khoang, giảm thiểu rủi ro với con người khi xảy ra sự cố. Chúng có thể định kỳ liên lạc với sở chỉ huy để cập nhật thông tin hoặc hoàn thành nhiệm vụ mà không cần sự can thiệp của con người.
Tàu ngầm trang bị AI của Trung Quốc sẽ có kích thước lớn và neo đậu tại cảng như tàu ngầm thông thường. Khoang tàu có thể chứa các thiết bị trinh sát, tên lửa và ngư lôi. Nguồn năng lượng chủ yếu là động cơ diesel-điện, cho phép tàu ngầm hoạt động dài ngày trên biển.
Loại tàu ngầm này có thể thu thập tin tức tình báo, rải thủy lôi hoặc tiến hành phục kích. Chúng có thể phối hợp với tàu ngầm thông thường để trinh sát hoặc làm mồi nhử, khiến đối phương lộ vị trí và sẵn sàng lao vào mục tiêu có giá trị cao để thực hiện đòn tấn công tự sát.
Lin Yang, giám đốc tại Viện Công nghệ Tự động thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết nước này đang phát triển một loạt tàu lặn không người lái cỡ siêu lớn để đối phó với các vũ khí tương tự của Mỹ. Tuy nhiên, các tàu này sẽ không được trang bị vũ khí hạt nhân.
Ưu điểm của tàu ngầm AI là chi phí sản xuất và vận hành tương đối rẻ. Các tàu ngầm truyền thống phải duy trì khả năng ẩn mình trong lòng biển để tăng cơ hội sống sót, cũng như duy trì tâm lý cho thủy thủ khi hoạt động dài ngày trong không gian chật hẹp, những yếu tố dễ làm tăng chi phí cũng như rủi ro khi tác chiến.
"Tàu ngầm tự động mang trí tuệ nhân tạo có thể học cách đánh chìm mục tiêu và liên tục điều chỉnh chiến lược. Khi được huấn luyện với một vùng biển cụ thể, nó sẽ trở thành một đối thủ rất đáng gờm", Lou Yuesheng, giáo sư thuộc Đại học Công nghệ Harbin, khẳng định.
Dù vậy, theo giáo sư Lou, tàu ngầm AI mới chỉ trong giai đoạn nghiên cứu, cần vượt qua rất nhiều rào cản kỹ thuật trước khi chúng được triển khai trong thực tế. Độ tin cậy cũng cần được cải thiện, do tàu không có con người để khắc phục các sự cố phát sinh với động cơ hay các lỗi khác trong quá trình tác chiến.
"Mục đích của dự án không nhằm để máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế hoàn toàn con người, bởi quyết định tấn công cuối cùng vẫn nằm trong tay người chỉ huy", giáo sư Lou nhận định.