Chị Ngô Thị Duyên - công nhân Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan vừa kết thúc thời gian nghỉ thai sản cách đây không lâu. Mang theo niềm hạnh phúc khi sinh hạ đứa con thứ 2 bụ bẫm, khỏe mạnh, quay trở lại làm việc, chị Duyên lại thêm mừng vui khi được cán bộ phòng Tổ chức hành chính công ty thông báo nhận tiền chế độ thai sản. Chị bày tỏ sự bất ngờ khi khoản tiền này “đến” sớm hơn dự kiến, bởi ở lần sinh con đầu lòng, phải mất đến khoảng 6 tháng sau sinh thì chị mới được nhận.

“Cán bộ phụ trách chế độ giải thích là công ty vừa áp dụng thực hiện giao dịch điện tử để giải quyết hưởng chế độ thai sản, ốm đau, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Nhờ vậy mà rút ngắn được thời gian giải quyết, bản thân người lao động như tôi cảm thấy rất phấn khởi vì được thụ hưởng tiện ích này” - chị Duyên cho biết.

Với gần 1.000 lao động, gần như tháng nào, Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan cũng có đối tượng được hưởng chế độ BHXH ngắn hạn. Ông Phạm Văn Quyền - phụ trách phòng Tổ chức Hành chính công ty khẳng định sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí và độ chính xác cao trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử giải quyết chế độ cho người lao động. Ông Quyền cho biết, thời gian qua, công ty đã có sự phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh để thực hiện ứng dụng giao dịch điện tử, mang đến nhiều thuận lợi cho người lao động.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, từ cuối tháng 5/2018 cho đến đầu tháng 8/2018, Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan đã giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn cho 82 lượt người ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe thông qua giao dịch điện tử, đảm bảo nhanh chóng, chính xác.

bna_image_9041905_492018.jpgCán bộ phòng Chế độ, BHXH tỉnh giải quyết chế độ cho người lao động qua giao dịch điện tử. Ảnh: P.A
Cùng với Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, 2 đơn vị thực hiện thí điểm khác là Công ty TNHH Haivina Kim Liên và Bưu điện tỉnh, kết quả triển khai có những phản hồi tích cực.
Tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên, ngoài ghi nhận về sự nhanh chóng, tiện ích của hệ thống giao dịch điện tử, cán bộ phụ trách còn đánh giá cao khi cho rằng hệ thống này như một thư viện dữ liệu nhỏ gọn, chỉ cần một cú click chuột là mọi thông tin liên quan đến quá trình tham gia và hưởng chế độ BHXH của người lao động đều được hiển thị.
Điều đáng tâm đắc nhất là độ chính xác, minh bạch trong quản lý, bởi khi nhập dữ liệu, chỉ cần sai sót một thông tin là hệ thống sẽ báo lỗi ngay. Quá trình phối hợp với BHXH tỉnh cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao về sự nhanh chóng, khoa học. Theo đó, chỉ sau vài tiếng gửi dữ liệu, nếu có sai sót, doanh nghiệp sẽ nhận được phản hồi từ phòng Chế độ BHXH hướng dẫn cụ thể cách giải quyết; đồng thời sau đó sẽ có thư điện tử hẹn ngày trả kết quả.
Haivina Kim Liên là doanh nghiệp có hàng ngàn lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ nên mỗi tháng, số lượng người cần giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe rất lớn. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng thực hiện giao dịch điện tử, công ty đã giải quyết chế độ ngắn hạn cho 411 lượt người.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên. Ảnh: P.A
Tương tự như vậy, tại Bưu điện tỉnh, lãnh đạo và người lao động đơn vị cũng rất hoan nghênh việc ứng dụng giao dịch điện tử trong giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn. Thực tế, các giao dịch điện tử nói chung đã là nghiệp vụ quen thuộc với mọi cán bộ của Bưu điện tỉnh bởi đặc thù hoạt động trong lĩnh vực thông tin.
Lãnh đạo Bưu điện tỉnh cho biết, nếu như trước đây khi thực hiện chế độ cho người lao động, cán bộ phụ trách phải đến trực tiếp trụ sở của BHXH tỉnh, mang theo rất nhiều văn bản giấy tờ để đáp ứng các thủ tục hành chính, thì nay thời gian, công sức đã được rút ngắn khi chỉ cần ngồi tại chỗ và thao tác trên phần mềm. Bước tiến trong cải cách hành chính còn thể hiện rõ ở việc giảm tải việc lưu trữ văn bản giấy, không mất nhiều thời gian khi cần truy lục thông tin.

Với cơ quan BHXH tỉnh, việc triển khai giao dịch điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Theo đó, phần mềm này đã góp phần hoàn thiện bộ công cụ hỗ trợ thực hiện việc đối soát hồ sơ hưởng chế độ thai sản, sinh con thông qua hệ thống dữ liệu Giám định BHYT, tạo thuận lợi trong việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc kê khai không đúng ngày sinh của con, trục lợi chế độ.

Bên cạnh đó, thời gian giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn nhanh hơn nhiều so với trước đây nhờ việc cán bộ không phải sửa hoặc sao chép dữ liệu thủ công. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định. Ví dụ như đối với hồ sơ của chế độ con ốm thì không thực hiện đối soát được trên cổng giám định BHYT do không có quy định kê khai mã thẻ BHYT của con mà hiện tại phần mềm chỉ mới đối soát được mã thẻ BHYT của người lao động; Trường hợp điều trị ngoại trú thì cũng chưa kiểm soát được vì trên hệ thống cơ sở dữ liệu giám định BHYT chỉ thể hiện thông tin ngày bắt đầu nghỉ, không thể hiện thông tin ngày nghỉ điều trị cuối cùng…

Trên cơ sở ưu điểm và hạn chế trong quá trình thực hiện thí điểm, ông Nguyễn Quang Quyết – Trưởng phòng Chế độ, BHXH tỉnh cho biết, phòng Chế độ BHXH đề nghị triển khai thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh đối với những đơn vị đã và đang sử dụng hệ thống kê khai GDĐT, thời gian kể từ ngày 10/7/2018 đối với các chế độ BHXH ngắn hạn.

Để thực hiện triển khai tất cả các chế độ BHXH ngắn hạn trong giao dịch điện tử và kiểm soát chặt chẽ quỹ BHXH, BHXH tỉnh cũng kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nhập dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh đầy đủ được ghi trên các hồ sơ, giấy tờ trên các chứng từ theo hướng dẫn tại Thông tư 56/2017/TT-BYT vào cổng thông tin giám định BHYT toàn quốc, theo định dạng dữ liệu thống nhất của BHXH Việt Nam để thực hiện./.