bna_3338362982_682018.jpgGiao dịch tại Phòng Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả BHXH TP. Vinh. Ảnh: Lâm Tùng

Ngày đầu tháng 7, bà Nguyễn Thị Thìn (SN 1968), quê ở xã Hưng Chính, TP. Vinh đạp xe xuống trụ sở cơ quan BHXH TP. Vinh từ rất sớm. Con trai út của bà năm nay học lớp 11, cách đó vài ngày, cháu cùng nhóm bạn đi chơi, không may gặp tai nạn giao thông, được người dân gần đó đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh. Khi nghe điện thoại báo tin dữ từ bệnh viện, vợ chồng bà hết sức lo âu.

“Chồng tôi vội vàng chạy xuống bệnh viện với con, còn tôi lúc đó run rẩy vì sợ hãi, rồi phải cố hết sức bình tĩnh để ở nhà tìm các loại giấy tờ nhân thân để làm thủ tục nhập viện cho con. Lâu nay ít để ý, đến khi có việc cần thì tìm không thấy thẻ BHYT đâu, đành phải xuống BHXH TP. Vinh để làm lại” - bà Thìn nói.

Là nông dân quanh năm ruộng đồng, mọi việc liên quan đến thủ tục, giấy tờ tại các cơ quan nhà nước hầu hết đều do chồng đại diện, nên lần đầu tiên đến cơ quan BHXH, bà Thìn không tránh khỏi những lo ngại. Tâm sự chân thành, bà Thìn nói rằng, trước khi đi, hàng xóm, láng giềng vẫn có người “mách nhỏ” bà vài “mẹo” để thủ tục hành chính được hanh thông hơn; rồi thì có người còn “dọa” là nhiều công đoạn, chờ đợi phức tạp lắm… Thế nhưng, thực tế, mọi thủ tục lại rất nhanh gọn, chóng vánh.

Bà Thìn phấn khởi cho biết: “Tôi trình bày nguyện vọng xin cấp lại thẻ BHYT cho con, cán bộ bảo hiểm hướng dẫn tôi điền vào mẫu giấy, rồi xem xét CMND của cháu, dặn tôi ngồi chờ khoảng 5 - 10 phút sẽ có thẻ BHYT mới. Thái độ của nữ cán bộ rất thân thiện, tận tình, các thủ tục đơn giản, dễ hiểu. Chỉ chưa đầy 10 phút sau, tôi đã nhận được thẻ BHYT mới, kịp thời làm thủ tục thanh toán viện phí cho con”.

Bà Nguyễn Thị Thìn không phải là trường hợp duy nhất cảm nhận được sự đổi thay tích cực từ thái độ và thời gian phục vụ của BHXH TP. Vinh nói riêng, BHXH tỉnh nói chung. Ngay tại phòng “một cửa” của BHXH thành phố và BHXH tỉnh, thời gian gần đây xuất hiện một trang thiết bị mới, đó là ki-ốt điện tử phục vụ việc tra cứu thông tin về BHXH, BHYT và khảo sát mức độ sự hài lòng của người dân, nhằm đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ BHXH.

Tra cứu thông tin BHXH, BHYT tại ki-ốt điện tử, BHXH TP. Vinh. Ảnh: PV
Ki-ốt điện tử có giao diện thân thiện, thiết kế màn hình với các chức năng đơn giản, mọi người dân đều có thể tra cứu nhanh các thông tin cá nhân như thời hạn sử dụng, mức hưởng của thẻ BHYT, thời gian đóng BHXH… Thông tin minh bạch, rõ ràng, giúp người dân chủ động nắm bắt quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN của mình, giảm thiểu thời gian tương tác với cán bộ BHXH.

Bên cạnh đó, ki-ốt điện tử còn có nội dung khảo sát mức độ hài lòng của người dân với thái độ, cung cách phục vụ của công chức, viên chức BHXH, ý kiến này sẽ được chuyển thẳng về những người có trách nhiệm một cách khách quan, trung thực. Kết quả khảo sát là căn cứ đề ra giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan BHXH.

Với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian gần đây, những đổi mới tích cực của ngành BHXH cũng đã mang lại nhiều hiệu quả đáng ghi nhận, đặc biệt là việc ứng dụng hệ thống tiếp nhận hồ sơ điện tử.

Nếu như trước đây, mỗi tháng, các doanh nghiệp phải cử người đến BHXH địa phương để nộp bảo hiểm cho người lao động, thì nay, nhờ phần mềm tiếp nhận hồ sơ điện tử, các doanh nghiệp chỉ cần ngồi tại công ty để nhập thông tin theo mẫu. Phần mềm với các chức năng tự động, giúp giảm sai sót khi kê khai và doanh nghiệp có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của công ty mình.

Ông Trần Văn Huyên - Giám đốc BHXH thành phố Vinh khẳng định: “Không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mà qua hệ thống phần mềm tiếp nhận hồ sơ điện tử, cán bộ của BHXH cũng dễ dàng kiểm soát được để đôn đốc tiến độ. Hiện nay, cơ bản phần mềm đã được cài đặt cho mọi cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT và chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ cài đặt, triển khai chữ ký số tại các đơn vị doanh nghiệp mới thành lập”.

Bước tiến trong cải cách hành chính của ngành BHXH Nghệ An còn thể hiện ở việc giảm thời gian giải quyết TTHC. Theo đó, hiện nay, việc cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được giải quyết ngay trong ngày; cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin cho tất cả các đối tượng trên địa bàn tại BHXH tỉnh; thời gian giải quyết việc điều chỉnh thông tin về thân nhân đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng giảm xuống còn 16 ngày so với trước là 20 ngày; thanh toán chi phí KCB BHYT trực tiếp: giải quyết hồ sơ thanh toán trực tiếp nội tỉnh còn 20 ngày so với trước là 25 ngày…

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Nghệ An đã niêm yết công khai 28/28 TTHC, hồ sơ, mẫu biểu liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN tại bộ phận “một cửa” cơ quan BHXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc ở những nơi thuận tiện nhất cho việc thực hiện và trên trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh Nghệ An (nghean.bhxh.gov.vn), góp phần để việc tìm hiểu chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN của người dân và đơn vị sử dụng lao động được nhanh chóng, thuận lợi.

6 tháng đầu năm 2018, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các TTHC thông qua dịch vụ bưu chính theo hướng mở; đồng thời tăng cường, đẩy mạnh thực hiện giao nhận hồ sơ điện tử tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm chi phí phát sinh cho các đơn vị sử dụng lao động, cá nhân.

Bà Lê Thị Dung - Phó Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định: “Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá việc tổ chức giải quyết các TTHC ở các bộ phận, các phòng nghiệp vụ để giảm số giờ giải quyết các TTHC so với yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng BHXH tỉnh hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ, chuyển đổi dữ liệu, giao dịch điện tử và vận hành hệ thống thông tin Giám định BHYT”./.