Phát huy ưu thế của tuyên truyền miệng
Tuyên truyền miệng là một trong những hình thức tuyên truyền quan trọng trong việc truyền tải các thông tin, chủ trương, chính sách đến với các đảng viên và nhân dân. Không chỉ là tuyên truyền thuần túy, đây còn được coi là biện pháp nhạy bén, đáp ứng nhanh chóng, kịp thời yêu cầu thông tin, định hướng dư luận, nâng cao tính thuyết phục đến với một cá nhân hay nhóm người. Có những thông tin liên quan đến nội bộ của Đảng hay của một tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đó không thể phát hành bằng văn bản hay đăng tải trên các phương tiện thông tin thì việc tuyên truyền miệng thực sự phát huy hiệu quả.
Từ những ưu thế riêng có của công tác tuyên truyền miệng, thời gian qua, cấp ủy các cấp trên địa bàn Nghệ An đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nề nếp, bài bản và có nhiều đổi mới, sáng tạo. Huyện Tân Kỳ được coi là một trong những điểm sáng về công tác tuyên truyền miệng. Đó là tuyên truyền thông qua các hội nghị triển khai các nghị quyết, chỉ thị, các nhiệm vụ của địa phương; qua các cuộc giao ban, hội ý của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, qua các hội nghị báo cáo viên định kỳ hàng tháng.
Bên cạnh đó, ở Tân Kỳ, thông qua ban hành và thực hiện nghiêm quy định, quy chế về bám sát cơ sở và chế độ dự sinh hoạt định kỳ với các chi bộ của cấp ủy viên các cấp, đội ngũ này cũng đồng thời thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng trực tiếp cho đảng viên và nhân dân nhiều vấn đề mà khách quan đặt ra. Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ cũng thực hiện nghiêm chế độ giao ban bí thư, trực đảng các xã, thị trấn; chế độ làm việc của MTTQ và các đoàn thể cấp huyện; chế độ định kỳ làm việc với cơ sở, nhất là những nơi khó khăn.
Theo đồng chí Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ, thì hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân theo định kỳ hoặc đối thoại giải quyết từng sự vụ, vụ việc, vấn đề nảy sinh hoặc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng là một hình thức tuyên truyền miệng mang lại hiệu quả cao. Ngoài giải quyết được các vấn đề tồn đọng, bức xúc ở cơ sở còn góp phần củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền huyện và xã.
Còn tại huyện Đô Lương, công tác tuyên truyện miệng gắn với đưa thông tin về cơ sở và hoạt động của báo cáo viên. Các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy duy trì nề nếp sinh hoạt tư tưởng vào ngày mồng 1 hàng tháng. Tại diễn đàn này, toàn thể cán bộ quân - dân - chính mở rộng của xã, xóm được báo cáo viên cấp ủy thông tin thời sự và nhiều chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước; những nội dung, định hướng tuyên truyền được tiếp thu tại hội nghị báo cáo viên của huyện; những nội dung được lựa chọn trong Thông báo nội bộ của tỉnh, Bản tin nội bộ của huyện và kể cả những ý kiến chỉ đạo của cấp ủy địa phương.
Tương tự, ở cấp xóm, định kỳ vào ngày 3 hàng tháng là ngày sinh hoạt Đảng, nhiều chủ trương, định hướng các cấp cũng được truyền đạt đến tận đảng viên thông qua đội ngũ bí thư chi bộ và cấp ủy cấp trên về dự sinh hoạt. Ngoài ra, sinh hoạt các câu lạc bộ của các tổ chức, đoàn thể cũng thường xuyên mời báo cáo viên về thông tin thời sự, chính sách hoặc vấn đề huyện đang cần tuyên truyền.
Đô Lương cũng duy trì hoạt động của Câu lạc bộ thời sự, sinh hoạt 1 lần/tháng với 150 thành viên cũng là cơ hội để lãnh đạo Ban Tuyên giáo và báo cáo viên Huyện ủy chuyển tải nhiều thông tin, định hướng tuyên truyền. Từ các thành viên câu lạc bộ sẽ lan tỏa, đưa nhiều thông tin hữu ích đến với cơ sở, đến tận đối tượng cần được thông tin. Đồng chí Nguyễn Minh Hạnh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đô Lương khẳng định: Thông qua tổ chức ngày sinh hoạt tư tưởng, sinh hoạt câu lạc bộ thời sự, sinh hoạt báo cáo viên đều đặn đã kịp thời chuyển tải nhiều thông tin đến đảng viên, nhân dân; đồng thời giải đáp, tháo gỡ nhiều khúc mắc, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư và tạo điểm “nóng” trên địa bàn.
Đánh giá về công tác tuyên truyền miệng, đồng chí Kha Văn Tám - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, hoạt động tuyên truyền miệng thời gian qua đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và nhiều địa phương bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như các vấn đề thời sự, vấn đề dư luận xã hội quan tâm trong từng thời điểm để báo cáo và định hướng công tác tuyên truyền.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được quan tâm củng cố thường xuyên, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm; đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền miệng. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở từng cấp.
Đổi mới, chủ động hơn
Có thể nói, hiện nay, trước sự phát triển nhanh và mạnh của khoa học công nghệ, việc tiếp cận thông tin đa dạng, nhiều chiều đã đặt ra yêu cầu đối với công tác tuyên truyền miệng. Đó là cần chủ động “đi” nhanh hơn, nhất là các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, dư luận quan tâm. Tuy nhiên, trong thực tế, đây đang là khâu yếu ở nhiều cấp.
Đồng chí Vũ Thị Thu Hà - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thành cho rằng, thời gian qua, việc định hướng thông tin, tư tưởng từ cấp trên đối với những vấn đề nhạy cảm, mới phát sinh còn chậm, trong khi đó ở cấp huyện, xã chưa có sự chủ động hay nói đúng hơn là “chưa dám chủ động” để tuyên truyền.
Một số ý kiến cũng cho rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và vi phạm pháp luật, đã, đang tác động trực tiếp đến tư tưởng của đảng viên và nhân dân. Thực tế này cũng gây khó khăn cho việc tuyên truyền.
Nhiều ý kiến cũng đề cập đến một số yếu tố như: phương pháp, kỹ năng tuyên truyền của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn một chiều, chưa có sự trao đổi, đối thoại để qua đó nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để định hướng kịp thời, nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Mặt khác, công tác tuyên truyền miệng ở một số cơ sở chưa huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia mà đang có biểu hiện “khoán trắng” cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Từ thực tiễn nêu trên, đồng chí Kha Văn Tám - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vị trí, tầm quan trọng của tuyên truyền miệng để quan tâm lãnh đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng làm công tác tuyên truyền miệng, trong đó đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là lực lượng nòng cốt. Đồng thời cấp ủy các cấp cũng sẽ có định hướng tuyên truyền kịp thời những vấn đề quan trọng, bức thiết, có tính thời sự.
Yêu cầu công tác tuyên truyền miệng phải hướng mạnh về cơ sở. Ngoài việc tuyên truyền thì tăng cường đối thoại, giải đáp kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Nội dung công tác tuyên truyền miệng không chỉ dừng lại ở việc chuyển tải các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của cấp trên mà còn bao gồm tuyên truyền nâng cao trình độ mọi mặt, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được những mặt trái của kinh tế thị trường, các tệ nạn, tiêu cực xã hội để vừa phòng, chống vừa đấu tranh. Song song với đó là tiếp tục củng cố hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; gắn với trang bị, tạo điều kiện cho đội ngũ này hoạt động hiệu quả...