bna_22546343_2982019.jpgNhà thờ họ Doãn tọa lạc ở trung tâm xóm Giáp Ngói xã Long Thành, được con cháu dòng họ này xây dựng nên để thờ tổ tiên - những vị tiền nhân đã có công lớn với quê hương đất nước. Nhà thờ gồm có 3 tòa nhà hạ, trung, thượng đường với bố cục theo kiểu “tiền Nhất, hậu Đinh” trong đó hạ đường 3 gian 2 hồi xây dựng thời Nguyễn là công trình được thiết kế kỳ công nhất.
Khung gỗ hạ đường được làm bằng gỗ lim, chạm trổ đẹp.
2 vì giữa được thiết kế theo kiểu “Thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền”. Trên các vì cũng như xà gồ, cổ nghé, bẩy hiên... đều được chạm khắc hoa văn đặc sắc
Các vì nóc được thiết kế theo kiểu “thượng ván mê, hạ kẻ chuyền”. Trên ván mê được chạm khắc công phu hình mặt hổ phù ngậm chữ "Thọ" khá độc đáo.
Trên các kẻ hiên được chạm khắc nhiều đề tài truyền thống, như “tứ linh, tứ quý”, tiêu biểu nhất là những hình ảnh cá chép hóa rồng, phượng hàm thư, long mã hà đồ… Nghệ nhân xưa đã rất cao tay trong kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh để làm nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, sống động.
Trung đường là ngôi nhà 3 gian 2 hồi được thiết kế gần giống hạ đường. Thượng đường là ngôi nhà 2 gian nằm dọc, bên trong nhiều kết cấu gỗ như vì nóc, bẩy hiên… được chạm khắc đẹp. Nhà thờ họ Doãn ở Long Thành được đánh giá là công trình có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc nghệ thuật ở Yên Thành
Trong lịch sử, nhà thờ họ Doãn đã được các triều đại phong kiến Việt Nam ban cấp sắc phong. Tại nhà thờ, hiện còn lưu giữ được một số hiện vật cổ kính, trong đó có sắc phong của triều Vua Quang Trung (trong ảnh). Những năm Xô viết Nghệ Tĩnh, nhà thờ họ Doãn từng là nơi hội họp bí mật của những người hoạt động cách mạng; trong kháng chiến là nơi cất dấu vũ khí của quân đội. Với nhiều giá trị to lớn, nhà thờ họ Doãn đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh năm 2016.