(Baonghean.vn) – Đối với những người chơi chim cảnh, việc sở hữu một chú chim hội tụ hoàn hảo 4 yếu tố: hót, đấu, bộ, không lỗi dáng là một điều mơ ước. Nhưng để được coi là người “sành” chim, còn phải kể đến những chiếc lồng với biết bao công sức làm ra từ bàn tay của nghệ nhân khắp mọi miền. Về cùng ngắm những chiếc lồng chim được xem như là tác phẩm nghệ thuật ở CLB chim cảnh Cầu Giát, có chiếc trị giá cả ngàn đô…
Hội thi chim chào mào tại Cầu Giát đầu năm 2016 thu hút 290 đầu lồng khắp cả nước với 9 tỉnh, thành tham gia. Mỗi chiếc lồng là một tác phẩm nghệ thuật, tổng trị giá lên đến hàng tỷ đồng. Một phần bộ sưu tập lồng chim của anh Trần Quý Phượng, chủ nhiệm CLB chim Cầu Giát. Những chiếc lồng này được chế tác tỷ mỷ với những cái tên rất kêu như “Thập bát la hán”, “Bát tiên quần thú”, “Thập nhị hoa giáp quần tiên”... mỗi chiếc có giá từ vài triệu đến 20 - 25 triệu đồng tùy mức độ tinh xảo. Anh Trần Quý Phượng với một chiếc lồng chim "cổ" bởi có tuổi đời gần 50 năm. Toàn bộ lồng được làm bằng tre, ngoại trừ cóng đựng nước, thức ăn. Chiếc lồng chim này được một nghệ nhân ở làng Vác (Thanh Oai - Hà Nội) làm ra. Theo anh Phượng, trị giá chiếc lồng này là "vô giá", bởi ngoài các đường nét chạm trổ của bậc thầy, còn là tuổi của chiếc lồng và bao nhiêu đời chim, giải thưởng đã giúp chiếc lồng thêm nổi tiếng Đây là một chiếc lồng khác, trị giá hơn 1.000 USD trong bộ sưu tập lồng của anh Phượng. Chiếc lồng do Nghệ nhân Đoàn Minh Căn (Huế) chế tác. Toàn bộ lồng được làm bằng tre, phần đáy được chạm tích "Lục sát hoa giáp" Mỗi chi tiết trang trí quanh lồng đều được chế tác tinh xảo bằng tre nguyên liệu được chọn mua về từ Nam Đông, từ Đắk Nông hay xa hơn là tận bên Lào vì tre ở những nơi này có độ dày và cứng cáp hơn Điều đặc biệt là cóng đựng thức ăn, nước uống cũng được tiện, chuốt hoàn toàn bằng tre. Chiếc lồng "Lục sát hoa giáp" này được mua với giá cả ngàn đô la. Trên cùng của chiếc lồng chim “Lục sát hoa giáp” là chiếc móc treo tạo dáng rồng mềm mại. Kế đến là bộ “chao móc” bốn nhánh được chạm lộng chủ đề tiên cưỡi hổ và cưỡi rồng, giữa là quả bầu tròn chạm lộng xuyên hình người và cây lá, có thể xoay tròn được. Một chiếc lồng chim vành khuyên cũng do nghệ nhân Đoàn Minh Căn chế tác Phần đáy được chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt Phần thân được chạm tích "Bát tiên quần thú" Phần chao móc là các tiên ông, hoa lá kỳ thú. Một bộ móc của chiếc lồng "Thập bát la hán" với hình đầu rồng uyển chuyển, mạnh mẽ với kỳ hoa, dị thảo vây quanh Chiếc lồng bằng gỗ quý chạm tích "Mã đáo thành công" Lồng bát giác lấy từ cảm hứng những ngôi lầu nghinh phong, vãn cảnh, bình văn...trong cung đình xưa Bộ khuy móc bằng đồng nhưng vẫn toát lên sự mềm mại, tinh xảo đến từng chi tiết được làm bởi các nghệ nhân làng Vác (Thanh Oai) Không chỉ được chạm trổ tích, phong cảnh, hoa lá quanh thân và đáy, những chiếc coóng đựng thức ăn cũng được đúc hình quả đào tiên. Bộ đỡ ly và cầu được trang trí hình hoa đào, tiên ông tỷ mỷ. Một bộ móc lồng cực kỳ tinh xảo hình chim phượng. Điều đặc biệt là đôi cánh có thể cử động được, khiến cho giá trị của lồng được tăng lên rất nhiều lần. Chủ nhiệm CLB chim Cầu Giát Trần Quý Phượng với đôi lồng chim khuyên có xuất xứ từ làng Vác (Thanh Oai - Hà Nội), vùng đất nổi danh chế tác lồng chim của cả nước. Lồng làng Vác được chế tác hoàn toàn bằng tre, ngâm kỹ dưới ao nhiều năm nên tuổi lồng có thể lên đến cả trăm năm. Đôi lồng này ngoài giá trị nghệ thuật, còn rất nổi tiếng bởi những chú chim được nuôi đã "ẵm" khá nhiều giải thưởng danh giá khắp nước. Trị giá mỗi chiếc lồng cũng lên đến cả chục triệu đồng. Trần Hải