(Baonghean.vn) - Không chỉ có các loại thực phẩm từ thịt được người vùng cao giàng trên gác bếp mà quả bưởi cũng được làm theo cách này để khi ăn được thơm ngon hơn.
Mùa bưởi về, khắp các bản làng vùng cao những cây bưởi sai trĩu quả. Bưởi được người dân miền Tây xứ Nghệ trồng chủ yếu là để ăn, cũng chính vì thế họ “phát minh” ra nhiều món ngon chế từ loại quả này như ướp, dầm và “giàng” gác bếp.
Với món bưởi “giàng”, mới nghe qua nhiều người thấy lạ lẫm bởi chỉ thấy trong gác bếp nhà người dân phơi các loại thực phẩm như thịt, cá bắt được mỗi lúc đi săn về. Nhưng thực tình mà nói, bưởi “giàng” đã có từ rất lâu đời trong đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú...
Theo ông Lầu Nhìa Xồng ở bản Nậm Khiên 1 (xã Nậm Càn - Kỳ Sơn), cứ mỗi độ mùa bưởi về, quả sai trĩu cành ăn không hết thì người dân lại hái vào gọt hết lớp vỏ phía ngoài và phơi trên gác bếp. Hơn nữa những cây bưởi nhiều nước và chua cũng được làm theo cách này để ăn ngon hơn.
Lửa được đun phía dưới cách gác bếp chừng 1,5 mét. Lửa bốc lên cùng khói bám lấy quả bưởi màu trắng tinh. Khoảng 1 tuần sau, phía ngoài của bưởi đã bị bao bọc bởi một màng đen bởi khói. Tuy nhìn không đẹp mắt nhưng khi bóc ra ăn thì độ thơm ngon tăng lên rất nhiều. Những quả bưởi nhiều nước và chua bị rút bớt nước và hơi dai, thơm mùi của than củi rất dễ chịu.
Cùng với các loại thực phẩm khác, có thể nói rằng món bưởi giàng đã bổ sung vào kho văn hóa ẩm thực của các cộng đồng dân tộc vùng cao một nét riêng hiếm có.
Đào Thọ