(Baonghean.vn) - Những ngày này, bà con các bản đang rộn rã gói bánh chưng chuẩn bị dâng lên mâm cúng ngày Tết. Khác với bánh chưng của người miền xuôi, đồng bào dân tộc Thái gói bánh chưng thành nhiều hình thù khác nhau.
Để chuẩn bị đón Tết, đồng bào Thái ở xã Châu Phong (Qùy Châu) gói bánh chưng rất sớm, khoảng từ ngày 23/12 âm lịch. Bánh chưng nguời Thái được gói với nhiều hình dáng khác nhau vì vậy có những tên gọi khác nhau. Công đoạn chuẩn bị nguyên liệu (gồm lá dong rừng, lạt, nếp nại, thịt, hành tía, hạt tiêu rừng) thường do con dâu trưởng trong nhà đảm nhận, còn đàn ông sẽ là người gói bánh. Sau khi gói xong, bánh được sắp khít vào nồi với nguyên tắc bánh to ở dưới, bánh nhỏ ở trên... Và tiếp đến là cho nước lút bánh để đảm bảo bánh được chín đều. Công đoạn nhen lửa, nấu bánh không ai khác là các mẹ, các chị. Đây cũng là dịp để họ có thời gian cùng nhau ngồi trò chuyện, cùng say sưa hát những điệu suối, điệu lăm chờ bánh chín. Bánh “Tôm Pom”, nguyên liệu gồm nếp nại, đậu xanh, gói thành hình vuông nhỏ được buộc thành chùm, mỗi chùm 4 bánh. Loại bánh này có ý nghĩa cầu cho sung túc, mọi sự tròn trịa, đầy đủ trong năm mới. Cũng được gói bằng nếp nại và đậu xanh, bánh “Khâu tôm kháu khoài” còn gọi là bánh sừng trâu, vì có hình giống sừng con trâu. Loại bánh này có ý nghĩa cầu cho đàn trâu khỏe mạnh để cày kéo. Cả hai loại bánh đều được ăn kèm với mật tạo nên hương vị rất riêng. Bánh “Tôm pê” có nhân đậu, thịt , hành tía, hạt tiêu. Hình thù giống như bánh chưng dưới xuôi, nhưng điểm khác biệt là được cột theo từng đôi, thể hiện quan điểm cầu may cho gia đình hạnh phúc. Đáng nói, khác với miền xuôi thường mừng tuổi trẻ nhỏ bằng tiền, còn ở Châu Phong (Quỳ Châu) trẻ nhỏ mong đợi được mừng tuổi bằng bánh chưng mỗi dịp tết đến xuân về. Vương Vân