Tết với người Việt là dịp để sum vầy, dịp để báo ân với tiên tổ về những thành quả trong một năm lao động vất vả của mình. Chính vì thế, mỗi khi Tết đến Xuân về, dù có đi đâu về đâu người ta cũng luôn hướng về gia đình, dòng tộc. Đối với những người xa quê vì nhiều lí do khác nhau nếu không về được, họ vẫn chuẩn bị chu đáo cho gia đình nhỏ của mình một cái Tết truyền thống đúng nghĩa ở chính mảnh đất mình đang sinh sống. Nghĩa là cũng đào, cũng quất, cũng mai... và dĩ nhiên là cũng bánh chưng xanh.
Diễn Châu, nơi có con sông Bùng nổi tiếng quanh co chảy tràn ra biển ấy, những năm 1980 của thế kỷ trước đối với tôi là những ngày khó nhọc. Cái khó nhọc lam lũ ấy đè nặng lên vai của mẹ tôi, để rồi mẹ tôi đã sáng tạo ra cái bánh chưng hến ấy. Nhà tôi đông anh em, và bố mẹ tôi đều làm nghề cày ruộng. Cái xứ đất pha cát quê tôi, một năm chỉ trồng một vụ lúa, cái giống lúa cút hạt nẩy, màu nâu đỏ ấy tuy ăn rất ngọt và thơm nhưng năng suất lại kém. Thu hoạch xong vụ lúa là đất trời sang xuân để sang trồng vụ lạc. Một năm chỉ hai mùa chính vụ như thế cho nên cái nghèo cứ dấm dẳng hết năm này qua năm khác.
Vào dịp Tết, nhà tôi thường gói hai loại bánh chưng, một loại có nhân thịt lợn, loại này chỉ dành mời khách và đưa đi đơm cúng. Loại bánh chưng thứ hai, lại là nhân… don (hến biển). Để cho chiếc bánh chưng có vị béo, nhân hến được trộn với nước mỡ lợn. Cái bánh chưng nhân hến ấy, có vị ngòn ngọt của hến, thơm thơm của bùn và dĩ nhiên cũng có vị beo béo của nước mỡ.
Cái thứ bánh nhân hến ý anh em tôi ăn nhiều đến phát ngán tận cổ. Chắc có người hỏi vì sao lại có thứ bánh lạ thế? Thực ra cũng từ cái nghèo mà ra cả. Ngày ý don (hến biển) cứ ra bãi biển dùng muôi cào một lúc là đầy một rổ. Ngày Tết, đối với nhà tôi thịt lợn chỉ đủ gói vài cái giò mỡ, một nồi thịt kho dự trữ để cúng trong ba ngày Tết. Một ít còn lại chỉ để gói bánh chưng.
Quê tôi ngày mùng Một Tết, con cái phải đơm một cỗ đầy sang nhà bố mẹ bên chồng và vợ. Nhà nào có con cái đã lập gia đình ra riêng đều phải sắm cỗ đội mâm về cả hai bên nội ngoại. Giờ giấc thì cứ quy định với nhau mà đội mâm sang. Nhà tôi, vì bố là con trưởng nên ngày Mùng một Tết chỉ đơm một cỗ sang bên nhà ngoại. Và dĩ nhiên, cặp bánh chưng đội sang ấy phải là nhân thịt lợn. Ngày ấy, anh em tôi còn bé, nên chưa hiểu gì. Thấy mẹ sắp mâm bằng loại bánh chưng nhân thịt ấy đơm sang nhà ngoại là chúng tôi thường khóc to vì tiếc. Có một năm, tôi và thằng em kế, nhân lúc mẹ không để ý, đã đổi cặp bánh chưng nhân don (hến biển) vào mâm cúng. Bố mẹ tôi không biết nên cứ đội mâm sang nhà ngoại, chúng tôi vẫn vô tư lon ton theo bên chân mẹ. Lúc cúng xong, ông ngoại đưa bánh xuống bếp để tét, nước mắt ông cứ chảy ra hai bên khóe mắt. Ngoại bèn giấu đi và thay bằng cặp bánh chưng nhà ngoại thế vào.
Bí mật đó anh em chúng tôi giấu tận đáy lòng đến tận bây giờ. Ấy thế mà vui cái Tết xa nhà đầu tiên trong đời tôi cũng lại làm bánh chưng nhân hến. Lẽ tất nhiên lúc ấy tôi không thấy ngán như thời trẻ dại mà trái lại lại đầy hương vị ngọt ngào.
Bây giờ, khi món bánh chưng một thời khó nhọc ấy chỉ còn là kỷ niệm, mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn tự hào mà ngâm nga lên rằng:
Quê tôi
Nơi con sông Bùng ngày đêm tràn ra bể
Cửa bể ầm ào đưa sóng vỗ trùng khơi
Nơi mẹ tôi vẫn còng lưng trên bãi
Cào con don con dắt mỏi mòn
Mẹ tôi
Bàn chân to trên đụn cát
Bấm những ngón chân tứa máu cồn cào
Chờ con nước thụt sâu vào cuối đất
Những mà don nứt toác bể khơi
Đôi tay gầy với chiếc môi sứt lẹm
Cào rách cả đất trời
Tìm don
Thế đấy, quê tôi don vẫn còn và bãi biển giờ cũng đã trở thành một bãi tắm nổi tiếng của tỉnh Nghệ An. Quê hương có nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát trù phú và giàu có, nhưng cái bánh chưng hến của mẹ thì tôi không bao giờ quên được.