(Baonghean) - Phát triển doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng là một yêu cầu cấp thiết, đáp ứng chủ trương tái cấu trúc, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu không có những khuyến khích tương ứng thì sẽ không tạo môi trường bình đẳng thuận lợi cho các loại hình DN nói chung, DN tư nhân nói riêng phát triển.
Bài 1: Một khu vực kinh tế năng động
Việc chỉ có khoảng 38% DN tư nhân tăng hạng, đồng nghĩa với việc hơn 62% số DN bị tụt hạng so với năm trước cũng cho thấy việc phát triển DN tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam hiện đại còn gặp nhiều vướng mắc, trở ngại cần được khẩn trương tháo gỡ, hỗ trợ, tạo đà phát triển.
Đà phục hồi chậm
Theo các cơ quan chức năng và các chuyên gia kinh tế, sự hồi phục của nền kinh tế đang ngày càng rõ nét trên thực tế. Một trong những nguyên nhân quan trọng, có tính chất quyết định làm nên kết quả này là sự nỗ lực, vươn lên khá mạnh mẽ của cộng đồng DN, trong đó, khối DN tư nhân đã vượt trội hơn khu vực DN nhà nước về hiệu quả đầu tư, trở thành khu vực năng động, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong thực tế, số DN hoạt động tốt, đạt hiệu quả kinh doanh cao như vậy chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với cộng đồng DN trong nước. Tổng cục Thống kê cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2015, khu vực DN có sự khởi sắc rõ rệt: Cả nước có 61.305 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 376 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% về số DN, tăng 29,9% về vốn đăng ký và tăng 23,3% về thu hút lao động mới; 15.243 lượt DN tăng vốn 481,5 nghìn tỷ đồng. 11.333 DN quay lại hoạt động, tăng 3,7%. Bên cạnh đó, có hơn 15.200 lượt DN thay đổi tăng vốn, nâng tổng số vốn trong 8 tháng lên 857,9 nghìn tỷ đồng. Số lao động dự kiến tạo được việc làm của các DN thành lập mới trong 8 tháng là 873,3 nghìn người, tăng 23,3% so với cùng kỳ 2014.
Thực tế 3 năm qua cho thấy, số các DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động ngày càng tăng nhanh so với số dừng hoạt động, đội ngũ DN trong nước đang hồi phục cả về số lượng và quy mô. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng qua đạt gần 900 nghìn tỷ đồng, cho thấy một nguồn lực lớn đã được bổ sung cho mục tiêu đầu tư, phát triển SXKD. Tuy nhiên, số DN ngừng hoạt động trong 8 tháng là 39.056 DN, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong tháng 8, cả nước đã có 7.595 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 27,9%, phần lớn là những DN có quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,45). Trong đó có 1.460 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 6.135 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký, 834 DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 11,5%.
Hỗ trợ DN khắc phục hạn chế
Trong những năm qua, để giúp các DN nhỏ và vừa (mà chủ yếu là DN tư nhân) phát triển, đã có nhiều giải pháp, chính sách được ban hành, từ trợ giúp tài chính, mặt bằng sản xuất đến đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công… Đến nay, các chương trình, chính sách trợ giúp của Nhà nước đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, từng bước hỗ trợ các DN khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và chịu các tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo Bộ KH&ĐT, trong những năm qua, chính sách hỗ trợ tài chính đã giúp cho các DN tiếp cận được “mạch máu” của hoạt động DN - tiếp cận nguồn vốn. Cục trưởng Cục Quản lý DN (Bộ KH&ĐT) Hồ Sĩ Hùng cho biết, chính sách này đã giúp DN được bảo lãnh tín dụng, hạ mặt bằng lãi suất và thành lập quỹ tín dụng riêng. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN thông qua hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các quỹ bảo lãnh tín dụng của địa phương, và VDB bảo lãnh và phát hành hơn 1.500 chứng thư bảo lãnh cho các DN với giá trị bảo lãnh gần 11 nghìn tỷ đồng, và các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cấp vốn vay cho các DN với tổng số tiền gần 9 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, cả nước đã có 21 địa phương có quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN. Tổng số vốn điều lệ của các quỹ là 575 tỷ đồng - Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng cho biết.
Bên cạnh các giải pháp tài chính, một trong những chính sách hỗ trợ DN tư nhân hoạt động mới nhất là tạo điều kiện để DN tư nhân cùng tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công. Theo Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng, Luật Đấu thầu hiện hành đã quy định những ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với DN nhỏ khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, xây lắp. Đây là một trong những quy định mới, quan trọng tạo cơ hội cho DN tư nhân từng bước tham gia cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho mua sắm công của Chính phủ. Tuy nhiên, do chính sách ưu đãi này mới được ban hành nên hiện chưa có đánh giá về kết quả hỗ trợ trong việc tham gia thực hiện các hợp đồng hoặc đơn đặt hàng để cung cấp một số hàng hóa, dịch vụ công của Chính phủ - Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng khẳng định.
Thực tế triển khai thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DN tư nhân cho thấy, các nhóm chính sách trợ giúp đều đã có những bước tiến nhất định, từng bước được đưa vào các chính sách/chương trình của các bộ, ngành và địa phương. Nhận thấy việc tiếp cận vốn tín dụng luôn được coi là vấn đề nan giải nhất đối với các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN tư nhân, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc trợ giúp DN tiếp cận với nguồn vốn này thông qua điều chỉnh giảm lãi suất, đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay đối với loại hình DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 30% tổng dư nợ cho toàn bộ nền kinh tế, và các NHTM bắt đầu chú trọng hơn tới nhóm khách hàng DN tư nhân, từ đó thành lập các phòng ban và xây dựng chính sách riêng đối với nhóm khách hàng này.
Ngoài ra, các DN tư nhân cũng nhận được sự trợ giúp trong việc phát triển nguồn nhân lực. Bộ KH&ĐT cho biết, với mức hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo từ NSNN, trong các năm gần đây, mỗi năm, NSNN hỗ trợ khoảng 2 triệu USD, tương đương 60 tỷ đồng để đào tạo trung bình khoảng 50 ngàn nhân lực cho đối tượng DN này. Chi phí hỗ trợ đào tạo một học viên tính ra là khoảng 1,2 triệu đồng - một con số không lớn, nhưng theo đánh giá của các học viên đặc biệt là học viên của các DN ở vùng sâu, vùng xa thì tác động của các khóa đào tạo là rất tích cực. Đội ngũ cán bộ của các DNNVV được trang bị các kiến thức về quản trị DN một cách có hệ thống, giúp DN tự tin hơn trong kinh doanh và xây dựng chiến lược kinh doanh với tầm nhìn dài hạn và bền vững.
Không những thế, DN tư nhân còn được hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, và mỗi năm NSNN dành gần 100 tỷ đồng cho hơn 100 đề án, hỗ trợ cho hàng nghìn DN tham gia. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giá trị hợp đồng ký kết và doanh số bán hàng đạt trung bình hơn 1 tỷ USD và gần 500 tỷ đồng mỗi năm, không kể nhiều địa phương đã chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho DN trên địa bàn - Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng nhận xét.
Sông Hồng