Sáng 13/8, Đoàn kiểm tra số 4 của Tỉnh ủy về kiểm tra, rà soát, đánh giá thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh liên quan đến phát triển khoa học và công nghệ đã có cuộc làm việc tại huyện Anh Sơn. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn kiểm tra số 4 chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa Ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ
Huyện Anh Sơn đã triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 06 khá nghiêm túc, bài bản như: Tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập mô hình trong và ngoài tỉnh; cấp ủy, chính quyền huyện đồng hành, tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, nhất là về đất đai cho các cơ sở, kể cả có một số cơ chế chính sách riêng của huyện.
Nhìn chung, việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao trên địa bàn mang tính toàn diện từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã áp dụng công nghệ cao toàn phần với hàm lượng khoa học công nghệ cao ở một số mô hình như: sản xuất, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hùng Sơn; ứng dụng công nghệ nhà lưới Isarel trong sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm tại một số xã Hội Sơn, Phúc Sơn; 2 mô hình chăm nuôi lợn công nghệ cao với quy mô hàng nghìn con/lứa/mô hình tại xã Hùng Sơn, Đỉnh Sơn…
Đồng chí Đặng Thanh Tùng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn cho rằng, để thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển, bên cạnh hỗ trợ kinh phí thì doanh nghiệp và người dân cần hơn ở chính quyền các cấp sự đồng hành, hỗ trợ thủ tục nhanh gọn hơn. Ảnh: Mai Hoa Bên cạnh đó, việc tác động khoa học công nghệ từng phần, từng khâu trên nhiều sản phẩm nông nghiệp được thực hiện như: Triển khai ứng dụng một số giống lúa, ngô mới; sind hóa đàn bò đạt 85%; phối tinh nhân tạo đàn lợn đạt 65 - 70% tổng đàn…
Chú trọng tính bền vững các mô hình công nghệ cao
Ngoài những ghi nhận, Đoàn công tác của tỉnh cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chất lượng, giá trị và đầu ra cũng như tính bền vững của các mô hình, các sản phẩm; nguồn lực của huyện giành đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ; việc bảo tồn nguồn gen quý trên địa bàn...
Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho rằng, việc phát triển khoa học và công nghệ là một yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của sự phát triển nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống cho người dân một cách thiết thực, bền vững.
Huyện cần tiếp tục quan tâm để cải thiện một số hạn chế như: việc ứng dụng tiến bộ khoa học khá mạnh, tuy nhiên hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm chưa cao và mô hình chưa đủ lớn; việc phối hợp giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân tạo thành chuỗi giá trị, thúc đẩy các mô hình công nghệ cao bền vững chưa nhiều.
Đoàn kiểm tra Tỉnh ủy khảo sát mô hình sản xuất dưa lưới theo công nghệ Isarel tại xã Phúc Sơn. Ảnh: Mai Hoa Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị huyện tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân về vai trò và tác động của khoa học và công nghệ thông qua các mô hình thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chú trọng lồng ghép các chương trình, nguồn lực để đảm bảo nguồn lực đầu tư phát triển mô hình bền vững, tránh dàn trải, nhỏ lẻ hoặc mô hình "chết yểu"; gắn với đó là bảo tồn, phát huy các nguồn gen quý, xây dựng các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu của địa phương...
Đoàn công tác Tỉnh ủy đã ghi nhận ý kiến đề xuất của huyện, bên cạnh hỗ trợ tiền xây dựng, phát triển mô hình khoa học và công nghệ thì quan trọng hơn sự đồng hành và hỗ trợ về thủ tục hành chính nhanh gọn từ chính quyền các cấp.