(Baonghean) - Những năm qua, số lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An không ngừng lớn mạnh với hơn 15.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đến thời điểm hiện tại và hoạt động kinh doanh đa dạng trên nhiều lĩnh vực.
Con số này đưa Nghệ An trở thành địa phương đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và thứ 7 cả nước về số lượng doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đóng góp 60% tổng thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, trong số 15.000 doanh nghiệp chỉ có trên 9.000 doanh nghiệp hoạt động và đa phần doanh nghiệp trên địa bàn là nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế, khi tham gia các hiệp định mậu dịch tự do mới và TPP, cạnh tranh sẽ rất quyết liệt trên cả 3 cấp độ.
Đối với AEC, tính cạnh tranh về thương mại hàng hóa sẽ rất cao, vì các mặt hàng trong ASEAN tương đối giống nhau. Riêng đối với TPP và FTA Việt Nam - EU sản phẩm chăn nuôi (thịt gà và thịt lợn) sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ hàng nhập khẩu, dù lộ trình cắt giảm thuế quan của ta là khá dài (thịt gà sau 11-12 năm, thịt lợn sau 1 năm, thịt lợn đông lạnh sau 8 năm do sức cạnh tranh các sản phẩm này của ta kém hơn so với nhiều nước TPP). Và trong các thách thức, thì một đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những doanh nghiệp mà khả năng cạnh tranh kém.
Tại cuộc nói chuyện mới đây với lãnh đạo các sở, ngành về các hiệp định mậu dịch tự do mới, TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, trong môi trường cạnh tranh không ít doanh nghiệp không trụ nổi, có thể phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí phá sản nhưng nhiều doanh nghiệp sẽ vươn lên và phát triển, các doanh nghiệp mới sẽ hình thành, tạo ra nhiều việc làm mới. Đây là quá trình đào thải mang tính sáng tạo. Chính đặc điểm kinh tế của thời đại và hệ quả của nó cho phép doanh nghiệp vươn lên trong cạnh tranh nếu có tư duy và chiến lược đúng đắn.
Vậy làm thế nào để tận dụng cơ hội vượt qua thách thức? Trước hết các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải nắm vững những cam kết của Việt Nam và 11 đối tác để thực thi cho đúng. Nếu không, sẽ bị kiện khi thực hiện không đúng cam kết và cũng không biết để kiện lại khi đối tác vi phạm.
Doanh nghiệp là chủ thể tạo nên sức mạnh trên thị trường, là lực lượng xét đến cùng thể hiện sức cạnh tranh của các nền kinh tế. Với thực trạng doanh nghiệp như ở Nghệ An, cần có giải pháp tổng thể, tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nâng cao sức cạnh tranh. Không phải chỉ khi khủng hoảng mới tái cơ cấu doanh nghiệp mà phải được thực hiện khi khả năng cạnh tranh bị suy giảm và sự thay đổi của thị trường, biểu hiện cụ thể là thị phần bị thu hẹp. Để thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp cần xác định chiến lược sản phẩm gắn với việc lựa chọn thị trường mục tiêu trên cơ sở lợi thế so sánh và nguồn lực của doanh nghiệp; lập kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh - lựa chọn phương thức cạnh tranh phù hợp với chiến lược thị trường và chiến lược sản phẩm.
Áp dụng công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, đầu tư thỏa đáng cho R&D (nghiên cứu và phát triển) là yếu tố quyết định để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong đó, đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin, coi công nghệ thông tin là nền tảng của phương thức phát triển mới. Ngoài chất lượng nguồn nhân lực, cần theo dõi sự thay đổi của thị phần và giám sát chặt chẽ dòng tiền. Thời gian đầu thị phần có thể thấp, thậm chí sụt giảm nhưng phải tăng dần lên.
Cuối cùng là cần tuân thủ các tiêu chí trong đầu tư và phát triển sản phẩm cả hàng hóa và dịch vụ. Doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế so sánh của mình là gì, phải chuyển được lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh. Theo nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, thị trường không phải là vô hạn, lại có nhiều chủ thể tham gia thị trường và khi một sản phẩm xuất khẩu chiếm trên 3% tổng thị phần của nước nhập khẩu sẽ rất dễ bị kiểm tra và có thể bị điều tra chống bán phá giá./.
Việt Phương
TIN LIÊN QUAN |
---|