Nhiều doanh nghiệp vận tải đã thông báo điều chỉnh giá vé về quê ăn Tết Đinh Dậu 2017 tăng từ 30 - 60 %.
Những ngày cận Tết, giá vé của các đơn vị vận tại ở một số bến xe trên địa bàn Hà Nội như: Bến xe Mỹ Đinh, Gia Lâm, Giáp Bát, Nước Ngầm,… đều đã được điều chỉnh giá theo hướng tăng.
Các doanh nghiệp vận tải đang khai thác một số lộ trình ngắn trên dưới 150 km không có sự biến động mạnh về giá, chỉ có một số đơn vị có mức tăng giá nhẹ không đáng kể.
Tuy nhiên, một số lộ trình tầm trung từ 300km - 800km đã có sự tăng giá “sốc”. Đơn cử, một số đơn vị khai thác lộ trình Hà Nội - Huế, Đà Nẵng tại bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai) đã tăng 60% giá vé từ 340.000 đồng/khánh lên 580.000 đồng/khách.
Lý giải cho nguyên nhân tăng giá “sốc”, một số đơn vị vận tải cho rằng, lượng khách hàng có nhu cầu về quê ăn Tết ngày càng tăng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng phục vụ, các đơn vị vận tải đã có đơn gửi lên các cơ quan chức năng yêu cầu được tăng giá vé.
Đối với các xe có lộ trình dài hơn 1.000km đang có xu hướng…. giảm giá. Một số nhà xe có lộ trình Hà Nội - TP.HCM cho biết, giá vé chiều đi từ TP.HCM ra Hà Nội đang có chiếu hướng giảm khoảng 100.000 đồng (không bao ăn). Ngược lại, chiều từ Hà Nội vào TP.HCM lại có xu hướng tăng thêm 100.000 đồng.
Sở dĩ có hiện tượng nghịch lý trên là do một chiều đông khách, một chiều vắng khách, các nhà xe phải cân bằng nguồn thu cho doanh nghiệp. Do vậy, họ có kế hoạch tăng giá vé để bù vào chiều chạy rỗng nhằm đảm bảo biểu đồ chạy xe giải toả hành khách dịp Tết.
Theo quy định, nếu doanh nghiệp vận tải muốn điều chỉnh giá thì đã phải có thông báo bằng văn bản, từ đó bến xe có ít nhất 1 tuần để cập nhật giá vé mới. Tuy nhiên, nay đã là ngày 20/1 các doanh nghiệp vận tải có yêu cầu đã tự động tăng giá vé, khiến khách hàng “trở tay không kịp”.
Chị Ánh Minh đến bến xe Giáp Bát chiều ngày 201/1 để đặt vé đi Quảng Trị vào ngày 28 Tết Âm Lịch, chị cho biết khá bất ngờ trước động thái tăng giá vé của doanh nghiệp song chị cũng vui vẻ chấp nhận vì giá cả ngày Lễ, Tết đều luôn bất ổn như vậy.
“Mình không lạ chuyện bến xe tăng giá vé vào ngày Tết cả, vì năm nào cũng vậy. Tuy nhiên, tăng đến 60% như vậy thì quả thật quá đắt”, chị Minh nói.
Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc bến xe Nước Ngầm xác nhận tình trạng tăng giá vé của 24 doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, theo ông Lập, quy định của bến xe Nước Ngầm chỉ tăng giá tối đa 40%. Vì vậy, các doanh nghiệp ở bến xe Nước Ngầm yêu cầu tăng lên 60% là không có cơ sở.
“Nếu bất kỳ doanh nghiệp nào vị phạm mức tăng giá quá 40%, khách hàng hoàn toàn có thể phản ánh tới đường dây nóng của bến xe để chúng tôi nắm bắt được thông tin”, ông Lập nói.
Trước tình trạng khách hàng phản ánh về việc tăng giá đột ngột của các nhà xe, ông Lập cho biết chưa thấy bất kỳ khách hàng nào phản ánh tới lãnh đạo bến xe: “Khách hàng cũng đã quen với việc tăng giá vé vào dịp Tết Nguyên Đán và họ cũng cảm thông cho các doanh nghiệp vận tải phục vụ nhân dân ngày Tết”- Ông Lập nói.
Trước sự tăng giá vé “sốc”, một số doanh nghiệp cam kết sẽ không để tái diễn tình trạng đón, trả khách vô tội vạ, nhồi nhép khách hàng. Song theo ông Lâp, việc các nhà xe cam kết như vậy là không khả thi.
“Tình trạng nhồi nhép khách hàng dịp Tết hầu như nhà xe nào cũng có, với những chiều vắng khách thì không, còn nếu đông thì chắc chắn có. Tuy nhiên, doanh nghiệp có một số biện pháp để tránh bị phát hiện” – ông Lập cho biết./.
Theo VOV