Ngày 23/5, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. 
anh_minh_hoa_quoc_hoi850899_2352020.jpgĐiều hành phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu (phiên buổi sáng), Phùng Quốc Hiển (phiên buổi chiều). Ảnh: Quochoi.vn

Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng

Trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. 

Trong đó, Quốc hội dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, đóng góp ý kiến cho các nội dung liên quan đến việc thí điểm, tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển thành phố Đà Nẵng.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An Trần Văn Mão cũng đã có nhiều góp ý về nội dung Dự thảo này. Cụ thể, việc Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết này là hết sức cần thiết, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thành phố Đà Nẵng, bảo đảm cơ sở chính trị - pháp lý, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) , Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại điểm cầu Nghệ An do các Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão chủ trì và đã đóng góp nhiều nội dung góp ý quan trọng tới Quốc hội. Ảnh: Thanh Quỳnh

Theo Dự thảo, mô hình thí điểm được Chính phủ đề xuất tại Đà Nẵng có khác với mô hình tại thành phố Hà Nội khi không tổ chức HĐND ở các quận, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng cơ chế này hoàn toàn phù hợp bởi trước đây Đà Nẵng đã từng thực hiện thí điểm mô hình tương tự và cho kết quả khả quan.

Tuy nhiên, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận, do đó cần có những cơ chế giám sát việc thực hiện quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân.

Ngoài ra, Luật Quy hoạch cần quy định chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, quản lý, tránh tình trạng điều chỉnh bổ sung quy hoạch tùy tiện, hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ.

Để tạo điều kiện cho thành phố Đà Nẵng phát triển, tạo động lực thúc đẩy các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét xây dựng cơ chế, chính sách, tỷ lệ điều tiết, nguồn lệ phí... phù hợp khi triển khai thực hiện.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Văn Mão trình bày kiến nghị góp ý tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh

Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật này như về các trường hợp không yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng. 

Vì trên thực tiễn, có nhiều địa phương tồn tại nhiều công trình phức tạp, gây ảnh hưởng đến môi trường, an toàn cộng đồng cần quản lý chặt chẽ các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng.
Các đại biểu tham gia phiên họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh

Về quản lý trật tự xây dựng, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cả nước trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Nhiều chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng nhưng chính quyền các cấp gặp khó trong cưỡng chế thực thi quyết định xử lý khi thiếu chế tài, còn chủ đầu tư không chấp hành.

Dự thảo luật sửa đổi mới chỉ tập trung quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh mà chưa đề cập đến vai trò của chính quyền cấp cơ sở như huyện, xã dẫn đến việc xử lý sai phạm chưa kịp thời, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến điều kiện năng lực của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng cần nghiên cứu sửa đổi để việc cấp chứng chỉ xây dựng đi vào thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này. 

Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.